Phát huy tiềm năng kinh tế biển
Thời gian qua, Quảng Ninh đã luôn tích cực đầu tư các nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Qua đó, sớm đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, một động lực phát triển của vùng và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển – ven biển…
Để sớm hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Nổi bật là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cũng đã đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, nhằm thúc đẩy và phát huy hết những tiềm năng, lợi thế về cảng biển sẵn có. Tới nay, tỉnh đã mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, như Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Cảng Cẩm Phả, Cảng Vạn Ninh, Cảng biển Hải Hà và đang tiếp tục thu hút đầu tư Cảng Hòn Nét – Con Ong…
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn chú trọng đến việc phát triển kinh tế biển, cảng biển với nhiều quyết sách hợp lý, đúng đắn và hiệu quả. Các hoạt động khai thác, kinh doanh sản xuất tại cảng biển luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp khai thác, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Đặc biệt, với hệ thống cảng biển, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đã và đang được đầu tư đồng bộ như hiện nay, sẽ là những điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển dịch vụ cảng biển, logistics thuận lợi trong thời gian tới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ.
Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc phát triển mới các dịch vụ có giá trị tăng cao như: Hệ thống cửa hàng mua sắm trong khu vực Bãi Cháy, bến du thuyền, hoàn thiện hạ tầng khu vực bờ biển Trần Quốc Nghiễn, bãi tắm Hòn Gai, Cẩm Phả; đầu tư mới hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao… Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện rà soát hiện trạng đất đai, các quy hoạch hai bên tuyến đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, hai bên tuyến đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả và hai bên tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều để đánh giá, đề xuất công tác quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất và phát huy lợi thế phát triển dọc hai bên các tuyến đường.
Với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, kinh tế biển của tỉnh đã ngày càng phát huy và khẳng định được vị thế, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh đạt 6.230 tỷ đồng, tăng bình quân 27,5%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra là 17,5%/năm. Đến hết năm 2022, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh, tăng 0,09 điểm % so với năm 2020.
Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng… Để hiện thực hoá mục tiêu này, tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng công tác hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển. Đẩy mạnh phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, thực hiện quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-huy-tiem-nang-kinh-te-bien-3240390.html
Baoquangninh.vn
Ý kiến ()