Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các địa phương nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đóng góp 20% GDP cả nước, xuất khẩu hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu.
Nhiều giống lúa chất lượng cao đã được đưa vào gieo trồng |
Ngoài ra, các địa phương ở đây còn cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu ngành Thủy sản của cả nước. Hiện nay, diện tích trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày của khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vào khoảng 150 nghìn ha và diện tích cây lâu năm là 320 nghìn ha.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 toàn vùng đạt 9,06%, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 34,61 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực này ước đạt 8,5%. Với diện tích tự nhiên của toàn vùng là 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 3,2 triệu ha, dân số gần 18 triệu người, có thể thấy đây là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước. Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long còn có bờ biển dài, vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đồng thời cũng là một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản, trái cây.
Tại đây, đã hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái, thủy sản áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Nhiều địa phương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng – vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Xác định được vị thế nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như bến cảng, kho bãi, chợ đầu mối, xây dựng giao thông nông thôn;… để hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương còn chọn huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ làm cơ sở điểm để nghiên cứu mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, qua đây quyết tâm đưa nền nông nghiệp của địa phương và của vùng phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu, đến năm 2015 phấn đấu đạt tỷ trọng khu vực I trong GDP của tỉnh là 36,9%, đến năm 2020 đạt tỷ trọng 27,4%. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng lúa gạo trở thành ngành xuất khẩu theo hướng bền vững, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, có giá trị gia tăng cao qua cải thiện cơ cấu giống, tăng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật thân thiện với môi trường, tổ chức luân canh với cây màu và thủy sản, tăng cường liên kết kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến phụ phẩm…
Đối với tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp địa phương này cũng tiếp tục tái cơ cấu theo hướng chất lượng – hiệu quả – bền vững. Trong đó, tập trung rà soát hoàn chỉnh quy trình sản xuất các cây, con chủ lực, củng cố tổ chức bộ máy đủ sức hoàn thành các chỉ tiêu hàng năm, nâng cao đời sống nông dân theo hướng nông thôn mới.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang còn rà soát lại cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xét lại các vấn đề nào không phù hợp để loại bỏ. Ngành nông nghiệp cũng đề xuất tỉnh xem xét, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang…
Việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, cùng với chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp cho khu vực này phát triển tương xứng với vai trò, vị thế của khu vực kinh tế quan trọng của đất nước…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()