Phát huy thế mạnh ngành công nghệ chế biến, chế tạo
Lắp ráp máy biến áp tại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (Hà Nội).
Điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung 10 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2018; trong đó, riêng ngành CBCT tăng 10,8%, đóng góp đến 8,3 điểm phần trăm. Qua đó, có thể thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện. Sản xuất nhóm ngành công nghiệp CBCT tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành, luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng với tốc độ cao nhất.
Cụ thể, trong 10 tháng, sản lượng sản xuất giày dép da ước đạt 246,4 triệu đôi, tăng 8,6% so cùng kỳ; chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,1%. Hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu tốt trong thời gian tới do duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ, tiếp cận những thị trường tiềm năng như
Mê-hi-cô và Ca-na-đa. Dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng hơn 10% với tổng kim ngạch đạt khoảng 21,5 tỷ USD. Ngành sản xuất ô-tô trong nước cũng tăng nhanh khi Nhà máy sản xuất ô-tô VinFast hoàn tất quá trình đầu tư và cho ra những sản phẩm đầu tiên; THACO và Thành Công ngày một củng cố vị trí dẫn đầu với hàng loạt sản phẩm mới lắp ráp trong nước ra mắt, mức giá ngày một cạnh tranh. Tính chung 10 tháng, sản lượng sản xuất ô-tô ước đạt 284,2 nghìn chiếc, tăng 8,6% so cùng kỳ. Một ngành chủ lực khác là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học đã bắt đầu phục hồi từ giữa quý II-2019 và đang lấy lại đà tăng trưởng. Trong tháng 8 và tháng 9, tăng trưởng IIP của ngành này lần lượt đạt 20,1% và 14,6% so với tháng trước. Trong 10 tháng, ngành này tăng 7,5%, dù thấp hơn mức tăng cùng kỳ (12,4%) nhưng đã cho thấy dấu hiệu tích cực sau khi liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ của năm 2018 trong sáu tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do hãng điện thoại Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm điện thoại cao cấp Galaxy Note 10 và đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu.
Một điểm sáng khác là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành CBCT. Trong 10 tháng, ngành CBCT thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới hơn 9,132 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ trước thì vốn FDI vào ngành CBCT trong 10 tháng đạt gần 13,873 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đăng ký. Từ đầu năm đến nay, làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc vào lĩnh vực CBCT không lúc nào chững lại. Việc dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực CBCT ở chiều tích cực đang cho thấy môi trường sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện. Hàng loạt thương vụ mua bán – sáp nhập lớn có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD cho thấy tốc độ hội nhập của nhóm DN CBCT khá mạnh mẽ. Cùng với đó, sự tăng trưởng tốt của ngành CBCT cũng phù hợp chủ trương cơ cấu lại ngành công nghiệp của Đảng, Nhà nước, theo hướng giảm dần tỷ lệ hàng thô và tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao trong CBCT, từ đó tác động lan tỏa và dẫn dắt việc cơ cấu lại toàn ngành công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu.
Nỗ lực vượt qua thách thức
Tuy nhiên, dù vẫn giữ đà tăng trưởng, song ngành CBCT cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ. Trước hết, mức tăng trưởng 10,8% của 10 tháng dù khá, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (12,5%). Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp CBCT tại thời điểm ngày 30-9 cũng tăng 17,2% so cùng thời điểm năm 2018, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 13,8%.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân của tình trạng này do ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng kinh tế và chính trị toàn cầu. Một số ngành sản xuất chủ lực như dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như “đầu vào” không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao với mức giá thành giảm, áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại,… Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, khiến giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so một số nước trong khu vực, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu, nhất là với nhóm hàng dệt may. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu cũng gặp khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng. Đến nay, hầu hết các mặt hàng may mặc đều đang trong tình trạng sụt giảm đơn hàng. Nếu như thời điểm giữa năm 2018, nhiều DN lớn trong ngành đã có đơn hàng thì cùng thời điểm năm 2019, chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng; một số DN hiện số lượng đơn hàng mới chỉ bằng khoảng 70% so cùng kỳ năm 2018. Tâm lý chung của người mua đều lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như trước. Theo các chuyên gia, các DN dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp tình hình. Trong thời gian tới, cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất. Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các DN cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.
Ngành sản xuất thép cũng đang chịu ảnh hưởng do thị trường thép xây dựng nội địa thời gian qua tương đối trầm lắng. Tình hình thời tiết không thuận lợi như triều cường, mưa nhiều tại một số khu vực đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thép xây dựng dân dụng; số dự án mới khởi công ít,… Không những vậy, ngành thép còn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam; đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép càng gặp khó khăn. Vì vậy, cùng việc hỗ trợ DN trong các vụ việc điều tra, Bộ Công thương khuyến cáo DN ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời, nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước, nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Ở một mảng khác, thị trường ô-tô cũng đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào. Ô-tô nhập khẩu có mức thuế 0% sẽ không chỉ đến từ các nước ASEAN như hiện nay, mà còn đến từ các quốc gia thành viên của CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong vòng 7 đến 10 năm tới. Sự cạnh tranh gay gắt từ ô-tô nhập khẩu đang ngày càng gia tăng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngành sản xuất ô-tô nội địa. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Được kỳ vọng là ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt. Tuy nhiên, ngành cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ sự cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, với những chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, thời gian qua, ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đã đạt được một số thành tựu. Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao; số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô-tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành gia tăng liên tục với sự tham gia các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, thực tế DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng so với các quốc gia trong khu vực; tỷ lệ nội địa hóa xe dưới chín chỗ thấp; giá thành sản xuất ô-tô còn cao. Để phát triển ngành công nghiệp ô-tô trong nước, điều kiện tiên quyết phải có ngành sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các DN công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng của các DN sản xuất lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải Phạm Văn Tài kiến nghị, nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô-tô để sản xuất trong nước. Vì khi thuế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước. Mặt khác, cần sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ô-tô về 0%. Khi giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm và cuối cùng là người tiêu dùng sẽ được lợi.
Trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo, để tiếp tục phát huy sức mạnh của ngành công nghiệp CBCT, Bộ Công thương sẽ tập trung phát triển các ngành CBCT ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành. Đó là những ngành sản xuất có lợi thế về xuất khẩu từ các FTA như dệt may, da giày, đồ gỗ,… Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản, nhất là các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành, qua đó tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cơ khí, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như ô-tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, đóng tàu biển,… Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp; tập trung nguồn lực triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm vào các ngành công nghệ có thế mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày,… Quan trọng nhất là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DN tư nhân, phát triển những thương hiệu tư nhân trong khu vực và toàn cầu; khuyến khích và hỗ trợ DN tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế; thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh đối với các DN FDI trong các ngành công nghệ trọng điểm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()