Phát huy thế mạnh du lịch
(LSO) – Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố Lạng Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để đưa lĩnh vực du lịch có những bước phát triển bền vững.
Đồng bộ giải pháp
Thành phố Lạng Sơn có vị trí địa lý thuận lợi với nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như quốc lộ 1A, 4B, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam -Trung Quốc. Thành phố cũng là đầu mối quan trọng nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trong chiến lược “Hai hành lang -một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, thành phố Lạng Sơn có nhiều tiềm năng về tự nhiên và văn hoá cho phát triển du lịch với những dãy núi đá cao, khí hậu quanh năm mát mẻ, quần thể hang động tự nhiên, thác nước, sông, suối lớn nhỏ để du khách thập phương tham quan tìm hiểu như: động Tam Thanh, Nhị Thanh, sông Kỳ Cùng… Thành phố cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử như thành Nhà Mạc, núi Phai Vệ, Đoàn Thành (thành cổ Lạng Sơn)… Bên cạnh đó, thành phố Lạng Sơn có nhiều dân tộc cùng sinh sống với nhiều nét đẹp mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; nhiều lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.
Du khách tham quan động Nhị Thanh, thành phố Lạng Sơn
Từ những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong những năm qua, thành phố Lạng Sơn đã có những giải pháp cụ thể để từng bước nâng cao hiệu quả lĩnh vực du lịch. Một trong những điểm mới, nổi bật trong phát triển du lịch thành phố Lạng Sơn năm 2020 chính là xây dựng phố đi bộ xung quanh khu vực chợ Kỳ Lừa. Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Việc triển khai xây dựng phố đi bộ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn dựa trên việc giữ gìn văn hóa truyền thống của thành phố cũng như tham khảo một số địa phương làm trước để phố đi bộ đảm bảo những điều kiện cần thiết song vẫn giữ được những nét văn hóa, lịch sử truyền thống. Dự kiến khi đi vào hoạt động chính thức, phố đi bộ Kỳ Lừa sẽ đón khoảng 2.800 lượt khách/ngày, doanh thu đạt từ 3,2 đến 3,6 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh xây dựng phố đi bộ, trong những năm qua, thành phố Lạng Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch đồng thời tập trung tu bổ, tôn tạo di tích. Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã xây dựng, tôn tạo 21 di tích với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng, trong đó, nguồn lực xã hội hóa khoảng 36 tỷ đồng.
Từ những giải pháp đã được triển khai thực hiện, lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố đã đạt kết quả tích cực. Giai đoạn 2016 -2020, trung bình lượng khách du lịch đến với thành phố Lạng Sơn đạt trên 1,6 triệu lượt/năm, tăng gần 200.000 lượt khách so với bình quân giai đoạn 2011 – 2015; doanh thu du lịch đạt bình quân 486 tỷ đồng/năm, tăng 167 tỷ đồng so với bình quân giai đoạn 2011 – 2015.
Tiếp tục tập trung phát triển
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, lĩnh vực du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Chính vì vậy, thời gian tới, thành phố Lạng Sơn tiếp tục triển khai các giải pháp để lĩnh vực du lịch phát triển rõ nét hơn.
Trong đó, thành phố tiếp tục mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố vào các danh thắng, di tích như: khu danh thắng Nhị, Tam Thanh; chùa Tiên; di chỉ Mai Pha; khu du lịch sinh thái Nà Tâm; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill; dự án cải tạo, chỉnh trang hồ Phai Loạn; đầu tư khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích… Bên cạnh đó, UBND thành phố tiếp tục củng cố và xây dựng các sản phẩm du lịch; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch…
Đặc biệt thành phố Lạng Sơn đã hoàn thành xây dựng đề án: “Phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đề án; xây dựng đề án: “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 -2030”… Đây là những cơ sở quan trọng để thành phố Lạng Sơn tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trong thời gian tới.
Ý kiến ()