Phát huy thế mạnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển. Với vị trí phía bắc của vùng, các tỉnh Bắc Trung Bộ có chung đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội. Ðể đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, các địa phương trong vùng phải tăng tốc, nỗ lực; các cấp, các ngành cũng cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá cho địa phương.
Các đội tàu đánh bắt xa bờ ở Quảng Trị. |
Tiểu vùng Bắc Trung Bộ bao gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Bên cạnh khó khăn về địa hình, khí hậu thì các địa phương trong vùng cũng có nhiều thuận lợi về tài nguyên rừng, biển, văn hóa… Phát huy mạnh mẽ những lợi thế này, thời gian qua các địa phương đã có những bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Nhiều hướng đi mới, hiệu quả
Ở vị trí điểm đầu phía bắc của vùng, Thanh Hóa có 102 km bờ biển, có lợi thế về cảng biển, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhân lực dồi dào, thuận lợi giao lưu, kết nối cho nên tỉnh chọn kinh tế công nghiệp biển là mũi nhọn phát triển. Trong đó, phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Mỗi năm tỉnh bố trí 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng trong khu kinh tế; ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. Ðến thời điểm này, Khu kinh tế Nghi Sơn thu hút hơn 149 nghìn tỷ đồng từ 295 dự án đầu tư trong nước; gần 13 tỷ USD của 23 dự án đầu tư nước ngoài. Tại đây có gần 170 dự án đã đi vào hoạt động, trong đó Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có tổng công suất 1.800MW đã sản xuất, vận hành thương mại, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ðến thời điểm này, Khu kinh tế Nghi Sơn thu hút hơn 149 nghìn tỷ đồng từ 295 dự án đầu tư trong nước; gần 13 tỷ USD của 23 dự án đầu tư nước ngoài. Tại đây có gần 170 dự án đã đi vào hoạt động, trong đó Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có tổng công suất 1.800MW đã sản xuất, vận hành thương mại, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài Nhà máy xi-măng Nghi Sơn sớm đầu tư, đi vào hoạt động, công suất 4,3 triệu tấn/năm, khu vực này có thêm Nhà máy xi-măng Công Thanh, công suất 5 triệu tấn/năm; Nhà máy xi-măng Ðại Dương đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp, nâng tổng năng lực sản xuất, cung ứng xi-măng lên gần 12 triệu tấn/năm… Năm 2022, các cơ sở sản xuất trong Khu kinh tế Nghi Sơn đạt tổng giá trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hơn 251 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 36.000 lao động, thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/người/tháng, ước nộp ngân sách 25.323 tỷ đồng, đóng góp 50% ngân sách cho tỉnh Thanh Hóa.
Với hơn một triệu ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất khoảng 650 nghìn ha, tỉnh Nghệ An chú trọng khai thác tối đa kinh tế rừng, tạo nhiều đổi mới trong cuộc sống người dân. Trước đây, khi chưa tham gia trồng rừng nguyên liệu, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Ðình Hải, người dân tộc Thái ở bản Tổng Sán (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) khá bấp bênh, gặp nhiều khó khăn khi sống phụ thuộc vào rừng. Sau khi mạnh dạn nhận 20ha đất rừng để trồng cây keo, cuộc sống của gia đình anh Hải đã dần thoát nghèo, vươn lên khá giả. Sau 5, 6 năm chăm sóc, mỗi lứa keo cho thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha. Từ nguồn thu ổn định bởi rừng nguyên liệu keo, anh xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng trong nhà và đầu tư cho con cái học hành…
Bí thư Ðảng ủy xã Thạch Ngàn, Nguyễn Ðàm Minh, cho biết: Ở Thạch Ngàn hầu như nhà nào cũng trồng rừng keo gắn với bảo vệ, quản lý, chăm sóc rừng và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Số hộ trồng rừng như nhà anh Nguyễn Ðình Hải ở Thạch Ngàn ngày càng nhiều. Toàn xã đã trồng 2.700ha rừng keo nguyên liệu. Cuộc sống người dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần và hộ trung bình, khá giả ngày càng gia tăng. Hiện bà con các dân tộc tại 11 huyện miền núi phía tây Nghệ An đang lấy nghề trồng rừng keo nguyên liệu, trồng cây cao-su, tre, cây dược liệu dưới tán rừng… gắn với bảo vệ rừng là “đòn bẩy” thoát nghèo, làm giàu, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
So với các tỉnh trong khu vực thì Quảng Bình có nghề biển tương đối phát triển với đội tàu xa bờ khá hùng hậu. Toàn tỉnh hiện có 6.792 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó 1.207 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 24.000 lao động trực tiếp trên biển.
Theo Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh, để đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá tại địa phương, trong những năm qua, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã huy động vốn từ các doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nghề cá; đồng thời tích cực tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai nghề cá. Qua đó để dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh bắt kịp với xu hướng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các tàu lớn vươn khơi.
Tỉnh Quảng Bình đã huy động vốn từ các doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nghề cá; đồng thời tích cực tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai nghề cá.
Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh
Tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Ngoài các chính sách của Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách trợ giúp ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiều chủ tàu cá lắp đặt các hệ thống dò cá ngang, dọc để xác định vùng biển nào có nhiều cá. Nhờ đó xác định được mẻ lưới đánh vào thời điểm nào cho phù hợp với khả năng của tàu mình để mang lại hiệu quả.
Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài hơn 75km, ngư trường rộng trên 8.400km2, trữ lượng thủy, hải sản lớn, khoảng hơn 60.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 5 huyện (trong đó có huyện đảo Cồn Cỏ) với 16 xã, thị trấn ven biển; có gần 16.000 lao động hoạt động thủy sản, trong đó trên 7.000 lao động khai thác biển. Với tiềm năng hiện có của mình, Quảng Trị tập trung vào mũi nhọn đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Nhằm từng bước hiện đại hóa lĩnh vực này, tỉnh đã tổ chức lại hoạt động sản xuất, thành lập chi hội nghề cá tại các xã, thị trấn ven biển. Giảm dần đội tàu công suất dưới 30CV/chiếc, đẩy mạnh phát triển đội tàu có công suất trên 90CV hoạt động theo hình thức tổ đội, tổ hợp tác, vươn khơi khai thác thủy sản góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ðồng chí Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Trị cho biết, hoạt động quản lý khai thác kinh tế biển ngày càng ổn định và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng khai thác, cải thiện đời sống kinh tế của ngư dân. Nếu như năm 2004 tàu cá lớn nhất của tỉnh có công suất 168CV, thì nay đã hơn 1.000CV, đã đóng mới 32 tàu vỏ thép và composite theo Nghị định 67 để khai thác biển xa. Năm 2021, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 2.911 chiếc với tổng công suất 143.51 CV, trong đó tàu cá xa bờ từ 90CV trở lên có 221 chiếc, tăng 74% so với năm 2012. Diện tích nuôi thủy sản đạt 3.491ha, trong đó có 1.200ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt hơn 36.000 tấn, trong đó khai thác hơn 27.000 tấn, nuôi trồng gần 9.000 tấn, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2004.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Tuy tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội nhưng theo đánh giá của Nghị quyết số 26-NQ/TW thì chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hầu hết hạn chế này đều rơi vào khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Tại tỉnh Thanh Hóa, năm 2006 Khu kinh tế Nghi Sơn được thành lập có tổng diện tích hơn 18.611ha, tiếp tục điều chỉnh mở rộng lên 106 nghìn ha vào cuối năm 2018 với tính chất của khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản. Tiến độ lập và trình duyệt nhiều đồ án quy hoạch còn chậm so với yêu cầu. Quá trình hình thành khu kinh tế, phát triển các phân khu công nghiệp đã gia tăng áp lực bảo vệ môi trường. Trình độ lao động, chất lượng lao động khu vực chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại. Diện tích mặt nước chiếm hơn 37% tổng diện tích khu kinh tế, ít được quan tâm khai thác, phát huy lợi thế.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế Nghi Sơn thiếu đồng bộ. Nhiều dự án hạ tầng cấp, thoát nước, nạo vét luồng lạch cho tàu cập cảng chưa được triển khai; một số dự án đầu tư hạ tầng tiến độ thực hiện chậm, kéo dài, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, bến cảng. Khu vực này thiếu quỹ đất sạch có vị trí thuận lợi, tiềm năng để thu hút nhà đầu tư lớn; chưa có kho bảo quản theo các tiêu chuẩn, trung tâm logistics, cảng cạn, quỹ đất để thực hiện đầu tư trung tâm logistics. Hạ tầng cảng biển không nhiều, phải thực hiện di dân, tái định cư quy mô lớn. Hạn chế này dẫn đến tiềm năng to lớn của khu công nghiệp biển chưa được khai thác hết.
Việc phát triển kinh tế rừng Nghệ An cũng còn nhiều bất cập. Mặc dù tỉnh đã có chủ trương và định hướng phát triển trồng rừng keo nguyên liệu cây gỗ lớn, tuy nhiên trên thực tế người dân trồng rừng keo nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, muốn thu hồi vốn nhanh nên thời gian thu hoạch khá ngắn, khiến rừng nguyên liệu gỗ nhỏ chiếm phần lớn. Trong khi đó lại chưa có nhiều diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư được phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu nhưng chậm hoặc không triển khai. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nhất là trong lĩnh vực giống còn chậm…
Việc phát triển lâm sản ngoài gỗ nói chung và dược liệu nói riêng ở Nghệ An cơ bản đang dừng lại ở quy hoạch. Các mô hình kinh tế dưới tán rừng mới manh nha hình thành, chưa trở thành giải pháp cốt yếu hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng từ gỗ lớn phục vụ chế biến gỗ và sản phẩm giá trị gia tăng. Người dân, nhất là các hộ nghèo chưa thực sự sống bằng chính nghề rừng nên đã có không ít hộ chuyển nhượng đất rừng. Các doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thô (dăm gỗ) xuất khẩu là chủ yếu, chưa có sản xuất chế biến sâu, chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến sâu.
Với Quảng Trị, trong quá trình khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Tàu thuyền phát triển nhanh nhưng công suất nhỏ, gây khó khăn công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài dưới 15m còn thấp do người dân chậm làm thủ tục. Tiến độ sửa chữa, nâng cấp cảng cá Cửa Tùng, Cửa Việt còn chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân và công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Hệ thống nuôi trồng thủy sản ven biển thiếu các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ nên dễ nảy sinh dịch bệnh.
Nhận thức rõ hạn chế của cả vùng và từng địa phương, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đưa ra hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm tạo đột phá phát triển cho cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ. Trong đó, nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đối với tiểu vùng Bắc Trung Bộ được Trung ương chỉ rõ. Ðây là những định hướng mới, cơ sở pháp lý mới, quan trọng để các địa phương trong vùng tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, bứt phá phát triển nhanh, bền vững.
Ý kiến ()