Thứ 6, 22/11/2024 22:49 [(GMT +7)]
Phát huy tài nguyên văn hóa các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 5, 19/04/2012 | 08:06:00 [(GMT +7)] A A
Có thể khẳng định, để thu hút được khoảng 2 triệu lượt du khách đến với địa bàn tỉnh trong năm 2011 là có sự đóng góp, phát huy tài nguyên văn hóa các dân tộc một cách mạnh mẽ. Tài nguyên đó đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả để góp phần vào mục tiêu phấn đấu thu hút 2,2 triệu lượt khách đến với tỉnh trong năm 2012.
LSO-Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1668/QĐ – TTg về việc hàng năm lấy ngày 19 tháng 4 là “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Theo đó, việc xác lập ngày này nhằm mục tiêu: giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hoà hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội;… Hằng năm, hưởng ứng và chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”, tỉnh Lạng Sơn đều tổ chức các hoạt động thiết thực. Qua đó càng khơi dậy mạnh mẽ hơn tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày hội xã Hải Yến (Cao Lộc) luôn ấn tượng với các màn múa sư tử mèo đậm đà
Thực tế đã cho thấy, thời gian qua, tài nguyên văn hóa các dân tộc Xứ Lạng luôn được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm phát huy, thiết thực góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Công tác trên được biểu hiện rất cụ thể. Toàn tỉnh có tới 300 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức. Trong đó, các lễ hội được quan tâm phục dựng, tổ chức trên cơ sở “gạn đục khơi trong”, “kế thừa có chọn lọc” nên ngày càng đi vào nền nếp với nhiều giá trị di sản văn hóa các dân tộc được tôn vinh đậm nét, trở thành loại hình du lịch ý nghĩa. Đáng chú ý, các huyện, thành phố trong tỉnh đã lựa chọn và tổ chức được các lễ hội điểm. Nhờ đó, sức hấp dẫn của lễ hội được nâng lên và có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Chỉ đơn cử, với lễ hội Bắc Nga (Cao Lộc), đã có tới hàng trăm chú lợn quay được tiêu thụ, đem lại thu nhập cho người dân, góp phần quảng bá sâu đậm hơn về những đặc sản ẩm thực của quê hương. Hay lễ hội Đồng Đăng tấp nập, có ý nghĩa thúc đẩy loại hình du lịch văn hóa tâm linh, mua sắm mạnh mẽ. Hoặc du lịch Mẫu Sơn, bên cạnh hệ thống cảnh quan thì văn hóa các dân tộc đã góp phần tạo nên nét đặc trưng. Ngoài ra phải kể tới, định kỳ hai năm một lần, tỉnh lại tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc; đến năm 2010 đã tổ chức được lần thứ 5. Đặc biệt, trong bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc Xứ Lạng đã có nhiều hoạt động nổi bật. Phương thức “bảo tồn động” – tức là bảo tồn ngay trong đời sống của cộng đồng được chú trọng. Với sự ra đời của Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca tỉnh trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh được thành lập đã ghi được những dấu ấn đáng nhớ qua các hoạt động của mình. Nhờ đó, dân ca đã dần tìm lại được những môi trường diễn xướng thích hợp và phát huy mạnh mẽ. Không dừng ở đó, tháng 1/2012, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh còn cho ra mắt Đội dân ca thể nghiệm Nộc Én. Đội mang tính xung kích, không chỉ quảng bá, giới thiệu về dân ca các dân tộc mà còn đặt ra phương hướng truyền dạy dân ca, đặc biệt cho thế hệ trẻ.
Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, trong những năm gần đây, công tác bảo tàng, lưu niệm được tỉnh rất quan tâm. Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh tương đối đầy đủ các chủ đề. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song cũng đã cố gắng giới thiệu về văn hóa các dân tộc tới công chúng, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh… Hoạt động triển lãm lưu động được chú trọng và tiêu biểu nhất đã giới thiệu được bộ ảnh “Lễ hội, di tích và danh thắng tỉnh Lạng Sơn” và “Lạng Sơn xưa và nay” tới công chúng trong những dịp lễ hội xuân. Hiện ngành văn hóa và giáo dục đã và đang phối hợp biên soạn ấn phẩm giới thiệu về bảo tàng và các sưu tập hiện vật để giới thiệu trong các nhà trường…
Du khách tham quan đền Kỳ Cùng
Có thể nói, về công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy luôn được tỉnh quan tâm và từng bước cụ thể hóa thông qua việc ban hành, đề ra những chương trình, kế hoạch, đề án cần thiết. Cụ thể, kế hoạch về việc tổng kiểm kê DSVH phi vật thể và lập hồ sơ khoa học các DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015 đã được ban hành. Tháng 12/2010, tỉnh cũng đã có Quyết định 1945/QĐ – UBND về việc phê duyệt Đề án bảo tồn DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, mục tiêu chung có chỉ rõ, tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; từ đó ưu tiên chọn lựa các di sản có giá trị tiêu biểu, có tiềm năng khai thác du lịch để bảo tồn và phát huy; góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh. Hay, quan điểm chung về phát triển du lịch Lạng Sơn cũng nêu ra, phải gắn với bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, xóa đói giảm nghèo… Như vậy, việc xác định tầm quan trọng của tài nguyên văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội đã được các cấp, ngành của tỉnh nhận thấy rõ nét. Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để định hướng công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH các dân tộc Xứ Lạng trong trước mắt và lâu dài.
Có thể khẳng định, để thu hút được khoảng 2 triệu lượt du khách đến với địa bàn tỉnh trong năm 2011 là có sự đóng góp, phát huy tài nguyên văn hóa các dân tộc một cách mạnh mẽ. Tài nguyên đó đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả để góp phần vào mục tiêu phấn đấu thu hút 2,2 triệu lượt khách đến với tỉnh trong năm 2012.
Hoàng Hà
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()