Phát huy tài nguyên di tích, danh thắng trong phát triển du lịch
LSO-Theo thống kê, tính đến nay, tỉnh Lạng Sơn có tổng số 581 di tích với 4 loại hình gồm: di tích lịch sử cách mạng 248, di tích khảo cổ 44, di tích kiến trúc nghệ thuật 246, di tích danh lam thắng cảnh 43. Trong đó có 23 điểm và khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 95 điểm và khu di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đây thực sự là những tài nguyên quý báu góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội nói chung, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa.
Đền Kỳ Cùng, TP Lạng Sơn là điểm tham quan thu hút nhiều du khách |
Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh là tài nguyên du lịch quan trọng, nên thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị các di tích luôn được quan tâm đẩy mạnh. Cụ thể, về công tác quản lý di tích, từ năm 1994 ngành văn hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 413/UB – QĐ, ngày 16/7/1994 về việc phân cấp quản lý di tích đã được công nhận, xếp hạng. Từ ngày 1/9/2009 đến nay, sau khi UBND tỉnh Lạng Sơn có Quyết định về thành lập Ban Quản lý di tích tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) thì công tác này do Ban Quản lý di tích tỉnh tham mưu trực tiếp thực hiện. Qua đó đã góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ, khai thác giá trị các di tích trên toàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả.
Để phát huy giá trị các di tích, danh thắng, ngành văn hóa đã tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đến với công chúng thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, nhất là tổ chức khai thác lễ hội xuân hàng năm để tạo điểm nhấn; đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tích cực khảo sát, xây dựng các tua, tuyến du lịch, khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch gắn với các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có trên 50 điểm di tích thường xuyên đón khách du lịch, trong đó có một số điểm di tích như: đền Bắc Lệ (Hữu Lũng), đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, chùa Thành (thành phố Lạng Sơn)… hàng năm đón hàng vạn lượt khách tham quan. Riêng khu di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh từ năm 2000 đến nay đã thu hút hơn 3 triệu lượt khách tham quan du lịch. Theo ông Nguyễn Bá San, Quyền Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác giá trị các di tích ngày càng được chú trọng hơn. Đơn cử, đó là việc quan tâm tổ chức, gắn lễ hội tại các di tích trọng điểm của tỉnh đã phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, tạo hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và tuyên truyền phát huy giá trị di tích, thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn.
Được biết, ngành văn hóa đã, đang tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn hoàn thiện hồ sơ khoa học của năm 2012 trình Bộ VH,TT&DL xếp hạng 2 di tích cấp Quốc gia (Khu linh địa cổ Mẫu Sơn, Nhà bia Thủy Môn Đình) và bổ sung 4 di tích (đền Cửa Đông, đền Cửa Tây, đền Cửa Nam, đền Cửa Bắc) vào danh mục di tích lịch sử Đoàn Thành Lạng Sơn đã được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1999. Dự kiến trong năm 2013 tiến hành xin chủ trương và từng bước lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp đối với 10 di tích (bao gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là ATK Bắc Sơn, 2 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh).
Mới đây, Liên hoan du lịch Mẫu Sơn 2013 diễn ra vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có hoạt động tham quan di tích danh thắng núi Phặt Chỉ đã tạo được ấn tượng sâu sắc với nhiều du khách về chương trình liên hoan. Từ thực tế cho thấy, việc khai thác giá trị các di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch nói chung phát triển, đặc biệt là việc tạo ra những điểm nhấn rõ nét trong các tua tuyến du lịch của tỉnh. Thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu tôn tạo các di tích, giữ gìn vệ sinh môi trường; đặc biệt cần phát huy mạnh mẽ vai trò của cộng đồng, mỗi người dân trong vấn đề trên. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ, xếp hạng di tích các cấp; tăng cường gắn kết việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về giá trị các di tích danh thắng bằng nhiều hình thức hơn nữa; xây dựng, liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành xây dựng các tua, tuyến du lịch gắn kết với các điểm di tích, danh thắng.
Ý kiến ()