Phát huy tác động tích cực của thu hút FDI với phát triển kinh tế Vĩnh Phúc
Những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 80%; đóng góp vào thu ngân sách chiếm 80-85%; đóng góp vào giá trị xuất khẩu chiếm từ 85-90%. Nhờ đẩy mạnh thu hút FDI, Vĩnh Phúc đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong tỉnh. Địa phương đã phát triển được một số ngành kinh tế chủ lực như sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử.
Cũng nhờ đẩy mạnh công tác thu hút FDI, Vĩnh Phúc đã từng bước hình thành và phát triển hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tương đối đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển. Đồng thời, FDI góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động; tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực.
Ngoài ra, FDI cũng đã góp phần hỗ trợ địa phương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác hữu nghị với với một số vùng, thành phố của các quốc gia có dự án đầu tư trên địa bàn.
Xưởng sản xuất của Piagio Việt Nam trên địa bàn Vĩnh Phúc. |
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đáng ghi nhận, cũng có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài ở địa phương, cần sớm được khắc phục, đó là: nền kinh tế tăng trưởng chưa bền vững và phụ thuộc nhiều vào FDI. Công nghiệp còn chủ yếu là lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa một số khâu còn thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường; việc đình công, lãn công chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp FDI…
Để khắc phục những tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, Vĩnh Phúc đã xác định quan điểm thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đó là: chiến lược thu hút, sử dụng và quản lý FDI của tỉnh phải được thiết kế phù hợp chiến lược chung của cả nước, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Chiến lược này có vai trò tương hỗ với các chiến lược liên quan như: phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đồng bộ thị trường, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính… Xác định rõ quan điểm về FDI là khu vực doanh nghiệp, hoạt động theo khuôn khổ pháp luật và tín hiệu thị trường. Thu hút vốn đầu tư phải coi trọng cơ cấu và chất lượng FDI, thu hút FDI công nghệ hiện đại, thu hút FDI phải tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao- lao động có kỹ năng.
Cùng với việc thu hút nguồn vốn FDI, cần phải quan tâm quản lý hoạt động FDI sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn FDI, có cơ chế và chính sách rõ ràng để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của FDI. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với FDI; tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, trung ương và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh trong thu hút, sử dụng và quản lý FDI…
Theo đồng chí Phạm Hồng Hải, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, vài năm gần đây, Vĩnh Phúc tiếp tục có lực hút lớn so với các tỉnh lân cận về dòng vốn FDI. Năm 2013, số dự án tăng cao so với năm 2012 và vượt kế hoạch đặt ra với tổng số 42 dự án. Trong đó có 21 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 314,8 triệu USD, tăng 3,5 lần về số dự án và 206% về số vốn đăng ký. Không chỉ vốn FDI đăng ký gia tăng, năm 2013 đã có thêm 14 dự án FDI đi vào sản xuất, kinh doanh, đưa tổng số dự án FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc lên 112 dự án. Ðây là một nhân tố tích cực khiến hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2013.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, có được kết quả tích cực trong thu hút FDI năm 2013 nói riêng và các năm trở lại đây nói chung là do tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư như: xây dựng dự án Cổng thông tin điện tử thành phần nhằm công khai các thủ tục đầu tư của tỉnh; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường tiếp xúc, hội thảo và tọa đàm với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đặc biệt, việc lãnh đạo tỉnh tích cực tham gia các chuỗi sự kiện, diễn đàn trong và ngoài nước càng minh chứng cho sự chủ động của tỉnh trong thu hút FDI.
Có thể nói, Vĩnh Phúc là một địa điểm đầu tư khá hấp dẫn. Bên cạnh vốn đầu tư được mở rộng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thì 70% số vốn tiếp tục được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Ở những ngành công nghiệp chế tạo linh kiện, điện tử, vốn FDI tiếp tục tăng với sự tham gia của các nhà đầu tư từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện có trên 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó, nổi bật là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, trong đó phải kể đến một số công ty đóng tại địa bàn tỉnh gồm: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()