Phát huy sức mạnh toàn dân trong đẩy lùi ma túy ở Sơn La
Thời kỳ cao điểm ở Sơn La có tới 19.367 người mắc nghiện ma túy, chiếm xấp xỉ 2% dân số toàn tỉnh. Trước thực tế trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 8-12-2003 về lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát ma túy, đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội.Vào những năm 80 của thế kỷ 20, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 4.500 ha cây thuốc phiện, sản lượng khoảng 17,5 tấn. Việc sử dụng thuốc phiện là thói quen hằng ngày của một bộ phận đồng bào và số người mắc nghiện thuốc phiện cũng tăng dần; những năm 90 tình hình ma túy lan rộng, từ hút thuốc phiện, một bộ phận chủ yếu là giới trẻ chuyển sang hít ma túy, sử dụng viên ma túy tổng hợp. Theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, tội phạm liên quan ma túy hằng năm chiếm gần 80% trong các vụ án hình sự đưa ra xét xử. Nhiều vụ án buôn bán, vận chuyển ma túy lớn ngày càng tinh vi, tính chất phức tạp diễn ra...
Vào những năm 80 của thế kỷ 20, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 4.500 ha cây thuốc phiện, sản lượng khoảng 17,5 tấn. Việc sử dụng thuốc phiện là thói quen hằng ngày của một bộ phận đồng bào và số người mắc nghiện thuốc phiện cũng tăng dần; những năm 90 tình hình ma túy lan rộng, từ hút thuốc phiện, một bộ phận chủ yếu là giới trẻ chuyển sang hít ma túy, sử dụng viên ma túy tổng hợp. Theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, tội phạm liên quan ma túy hằng năm chiếm gần 80% trong các vụ án hình sự đưa ra xét xử. Nhiều vụ án buôn bán, vận chuyển ma túy lớn ngày càng tinh vi, tính chất phức tạp diễn ra trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, đã xét xử 4.375 vụ án ma túy, trong đó có 68 án tử hình, 143 án chung thân, 847 án từ 15 đến 20 năm tù, với tổng số 3.788 người liên quan đến ma túy đang phải chịu các hình phạt của pháp luật. Theo tính toán, một người nghiện trung bình một ngày phải chi khoảng 50.000 đồng cho việc sử dụng ma túy. Như vậy, một năm số người nghiện ở Sơn La tiêu tốn khoảng 348 tỷ đồng; trong đó hầu hết họ đều không tham gia sản xuất, hằng năm làm mất một khoản thu nhập xã hội vô hình khoảng 250 tỷ đồng. Với một tỉnh miền núi nghèo, ngân sách chủ yếu dựa vào Trung ương thì đây là một thực trạng đáng lo ngại.
Điều đáng quan tâm là, tình hình ma túy lan tràn, 189/201 số xã, phường, chiếm 94% và 61% số bản trong toàn tỉnh có người mắc nghiện hoặc liên quan đến buôn bán ma túy. Qua điều tra phát giác, hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cũng có người mắc nghiện. Trong đó, nhiều người nghiện là cán bộ, đảng viên và con em của cán bộ lãnh đạo, công chức, v.v. Nhiều tụ điểm buôn bán, sử dụng ma túy trở thành điểm nóng, như: Thôm Mòn (Thuận Châu), Chiềng Sơn, Chiềng Khừa, Lóng Luông (Mộc Châu), Nà Nghịu, Chiềng Cang (Sông Mã), Chiềng Chăn, Chiềng Pằn (Mai Sơn), Chiềng Cơi (thành phố Sơn La)… gây mất an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Một thống kê đau lòng, ở Sơn La nhiều cặp vợ chồng, anh chị em, thậm chí có gia đình tới chín người liên quan đến ma túy cùng phải vào cải tạo trong các trại giam hoặc trung tâm giáo dục lao động.
Trước tình hình trên, ngày 8-12-2003, Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20 về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; ngày 7-1-2006, Tỉnh ủy đã họp sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết số 20 và ban hành Kết luận số 03 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy đến năm 2010.
Sau 5 năm tích cực triển khai thực hiện, với tinh thần quyết liệt, tư tưởng chỉ đạo 'Tập trung, thống nhất, toàn dân, toàn diện, kiên trì phòng, chống ma túy' tỉnh đã ngăn chặn, đẩy lùi một bước ma túy ra khỏi đời sống xã hội, đem lại niềm vui phấn khởi trong đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, toàn tỉnh đã triệt xóa được 1.959 tụ điểm ma túy, bắt giữ 3.023 đối tượng bán lẻ ma túy; bắt giữ 4.485 vụ, với 7.024 đối tượng tội phạm ma túy; tang vật thu giữ, gồm: 199,43 kg hê-rô-in, 51,89 kg nhựa thuốc phiện, thu giữ hai tỷ 645 triệu đồng, 149.355 nghìn USD, cùng nhiều tang vật khác. Công tác cai nghiện đã được tập trung chỉ đạo, tiến hành tổng điều tra, rà soát, phát giác, kết luận người nghiện trên địa bàn toàn tỉnh. Trong tổng số 25.368 người nghi nghiện được đưa đi xét nghiệm, có 19.367 người mắc nghiện. Trong tổng số 18.595 người được hỗ trợ cắt cơn cai nghiện bằng thuốc hướng thần, thuốc cedemex và phương pháp điện châm thì 15.998 người không tái nghiện, có 8.023 người đủ điều kiện đưa ra khỏi danh sách theo dõi quản lý, số còn lại đang tiếp tục quản lý tại cộng đồng và các trung tâm giáo dục lao động. Trong năm năm qua toàn tỉnh đã tiến hành mở 30 đợt triệt phá được 84,4 ha cây thuốc phiện.
Ngày 25-2-2011, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị và tổng kết năm năm thực hiện Kết luận số 03 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát ma túy. Ngoài việc đánh giá kết quả đạt được, điều quan trọng là tại hội nghị này, tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đồng chí Hoàng Văn Chất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, phụ trách vấn đề phòng, chống và kiểm soát ma túy đánh giá: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực hiện thành công việc đẩy lùi ma túy. Không phải bây giờ tỉnh Sơn La mới thực hiện đấu tranh phòng, chống ma túy, mà gốc của vấn đề chính là đến giai đoạn này tỉnh đã nhận thức được đầy đủ tính chất khó khăn phức tạp và có thái độ cương quyết đấu tranh với ma túy. Từ nhận thức đúng, Sơn La đã có cách làm đồng bộ, bài bản và hiệu quả. Trong đó, nguyên nhân cơ bản đầu tiên không chỉ là sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh quyết tâm đẩy lùi ma túy, mà còn trở thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống ma túy Tỉnh ủy (gọi tắt là Ban chỉ đạo 03) và ban hành quy chế hoạt động. Ở các huyện, thị ủy, cho đến từng chi bộ đều thành lập Ban chỉ đạo 03. Trong lãnh đạo, Tỉnh ủy đã đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực.
Trong triển khai, tập trung thực hiện theo quy trình chặt chẽ, mấu chốt là đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi đây là công việc của tất cả mọi người, mọi nhà. Các ban, ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và Ban chỉ đạo 03 các cấp. Đối với người nghiện, thông qua Ban chỉ đạo 03 cơ sở cho người mắc nghiện và gia đình có người mắc nghiện tự nhận, sau đó tiến hành sàng lọc qua báo cáo giải trình và qua phát giác, khai báo của nhân dân. Với cách làm này, gần như 100% số người nghiện, nghi nghiện hoặc có biểu hiện liên quan đến buôn bán, sử dụng ma túy đều không lọt qua tai mắt của quần chúng nhân dân; thực hiện phương châm: 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'. Do vậy đã tạo nên sự đồng thuận xã hội rất lớn, đây là nguyên nhân sâu xa tạo nên sức mạnh để đẩy lùi ma túy.
Bên cạnh đó, tỉnh đã dành một khoản ngân sách chi 258 tỷ đồng cho cuộc chiến phòng, chống ma túy. Với một tỉnh miền núi nghèo, Sơn La đã dành ra một khoản kinh phí không nhỏ phòng, chống và kiểm soát ma túy, điều đó chứng tỏ ngoài quyết tâm chính trị còn là triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách, tạo nên thành công trong đẩy lùi ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Qua kết quả ký cam kết giao ước thi đua, đến nay trên địa bàn tỉnh có 4.052 đơn vị đạt tiêu chuẩn không có ma túy và 526 đơn vị cơ bản đạt tiêu chuẩn bốn không về ma túy, chiếm 84,6%, tăng 2,5% so với năm 2009. Tình hình ma túy ở Sơn La đã được khống chế, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Kết quả trên mới là bước đầu, công tác phòng, chống ma túy xác định là một công việc khó khăn, lâu dài và phải kiên trì. Hiện nay, theo số liệu của các cơ quan chức năng ở Sơn La còn 112 điểm ma túy, 116 đối tượng có biểu hiện buôn bán ma túy tại 63 tổ, bản, của 29 xã, thị trấn thuộc bảy huyện chưa bị bóc gỡ. Ngoài số người được công nhận từ bỏ hoàn toàn ma túy, vẫn còn 216 người chưa thực hiện cai nghiện, 387 người tái nghiện, 3.108 người đã cai nghiện đang quản lý tại gia đình, cộng đồng, 2.646 người đã cai nghiện đang quản lý tại các trung tâm giáo dục lao động… nguy cơ phát sinh các tụ điểm buôn bán, sử dụng ma túy và tái nghiện vẫn còn rất lớn.
ĐỂ thực hiện mục tiêu đến năm 2015, tỉnh đã đề ra năm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khống chế tỷ lệ người nghiện ma túy trong danh sách quản lý dưới 1% dân số toàn tỉnh; tạo việc làm cho 30% số người sau cai nghiện có việc làm ổn định và không tái nghiện; ngăn chặn nguồn cung cấp ma túy từ bên ngoài vào địa bàn; xóa bỏ hoàn toàn việc tái trồng cây thuốc phiện; phấn đấu 90% số xã, phường, thị trấn, tổ, bản không có ma túy… góp phần thiết thực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()