Phát huy sức mạnh toàn dân quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
LÂM THỊ PHƯƠNG THANH
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trải dài 231,7 km, qua địa bàn 20 xã, 1 thị trấn, thuộc 5/11 huyện, thành phố của tỉnh; có 2 cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường sắt), 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ. Dân số của tỉnh trên 77 vạn người, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa và Sán Chỉ cùng sinh sống. Với vị trí chiến lược hết sức trọng yếu, vừa là phên giậu, vừa là cửa ngõ quan trọng của đất nước, trong những năm qua, tỉnh luôn xác định: xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, mở rộng quan hệ đối ngoại góp phần phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Uỷ viên Trung uơng Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bắc Xa, huyện Đình Lập. Ảnh: PHÙNG KHIÊM
Quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, năm 2011, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TU về xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện giai đoạn 2011-2015; sau khi tổng kết, đánh giá đã ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết giai đoạn 2016 – 2020; Ủy ban nhân tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch về xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện giai đoạn 2016 – 2020. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, tỉnh đã tập trung đầu tư nguồn lực để củng cố, xây dựng hệ thống chính trị khu vực biên giới vững mạnh; quan tâm phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân; quy hoạch, xây dựng các cửa khẩu, mở rộng, nâng cấp, đấu nối đường giao thông tại các cặp cửa khẩu với nước bạn Trung Quốc, nâng cao khả năng thông quan hàng hóa, mở rộng các hoạt động thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa, hội nhập và hợp tác quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội, góp phần củng cố, nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh; đời sống nhân dân biên giới được cải thiện và nâng cao, diện mạo khu vực biên giới có nhiều khởi sắc.
Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được thực hiện có hiệu quả thông qua việc giao đoạn đường biên, cột mốc quốc giới để nhân dân các thôn, bản giáp biên phối hợp với bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ. Đến nay đã có 50 tập thể là các thôn, bản và 964 hộ gia đình cư trú ở sát biên giới ký nhận 229,3 km/231,7 km đường biên giới (2,4 km chưa giao được cho dân vì còn có vật cản). Bà con nhân dân đi làm nương, làm rẫy, sản xuất, canh tác trên mảnh ruộng, mảnh vườn của mình, cũng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đây là thành công lớn, là cách làm phù hợp với thực tế để phát huy sức mạnh toàn dân quản lý, bảo vệ biên giới.
Những năm qua “Ngày Biên phòng toàn dân” đã thực sự trở thành ngày hội của toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các cấp, các ngành và nhân dân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều công sức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực tạo ra phong trào rộng khắp hướng về biên giới. “Cột mốc của lòng dân” được củng cố và phát huy, bà con đồng bào các dân tộc biên giới luôn kề vai, sát cánh cùng bộ đội biên phòng ngày đêm canh giữ cho sự bình yên của biên cương Xứ Lạng.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Ma và nhân dân xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình tuần tra biên giới. Ảnh: VI THƯỢNG (Bộ đội Biên phòng tỉnh)
Cùng với việc phát huy sức mạnh toàn dân, bộ đội biên phòng Lạng Sơn luôn thực hiện tốt vai trò là lực lượng chuyên trách, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng linh hoạt để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Đã có nhiều mô hình thiết thực giúp dân phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, văn hoá như: “Mái ấm biên cương, xây nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo”, chương trình “Áo ấm mùa đông biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”… được bộ đội biên phòng tỉnh triển khai hiệu quả, gắn kết tình cảm quân dân sâu sắc. Ở đâu đồng bào gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ, ở đó có bộ đội biên phòng. Hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh” trở nên thân thương, gần gũi với đồng bào các dân tộc, bà con tin yêu, quý mến. Đây là điều kiện thuận lợi, là thế mạnh để bộ đội biên phòng cùng với các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục phát huy hơn nữa, huy động sức mạnh to lớn của toàn dân cùng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình biên giới còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm: xảy ra một số vụ việc vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới do nhận thức của người dân hai bên còn khác nhau về hướng đi của đường biên giới trên thực địa; đời sống nhân dân còn khó khăn; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, buôn lậu qua biên giới diễn ra phức tạp, công tác quản lý, bảo vệ biên giới gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, khó dự báo, tranh chấp chủ quyền, biển đảo tiềm ẩn phức tạp, khó lường. Để phát huy sức mạnh toàn dân và sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất:làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với công tác biên phòng; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp bảo vệ biên giới nói riêng, tạo ra phong trào rộng khắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết là đồng bào các dân tộc biên giới trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và các chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Thứ hai:tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng đối với sự nghiệp xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới; triển khai các chương trình, kế hoạch về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa bàn biên giới vững mạnh, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để quản lý, bảo vệ biên giới; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, và an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ then chốt.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng chức năng để đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, tập trung vào địa bàn biên giới, địa bàn trọng điểm, phức tạp, triệt phá các đường dây tội phạm xuyên biên giới, xuyên quốc gia; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập cảnh trái phép, giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thứ ba:khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững; thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế trọng tâm, bao gồm: tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, chú trọng lâm nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách cho phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ để tăng nguồn thu nội địa. Trên cơ sở đó, thúc đẩy và lấy tăng trưởng kinh tế làm điều kiện tiền đề, cơ sở vật chất quan trọng để thực hiện các chính sách xã hội, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới; duy trì môi trường ổn định hoà bình, hữu nghị để phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ tư:tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động đối ngoại của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, lực lượng chức năng của Lạng Sơn với địa phương và các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tương đương của Quảng Tây, Trung Quốc; chú trọng các hoạt động đối thoại, hợp tác về quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, bảo đảm cho chủ quyền lãnh thổ của mỗi bên đều được tôn trọng; tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác về phát triển kinh tế, xúc tiến đầu tư, mở rộng hoạt động thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa, hợp tác và hội nhập trên các lĩnh vực; tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, không ngừng mở rộng ngoại giao nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững với nước láng giềng.
Hơn bao giờ hết, cần phải nắm vững nguyên tắc dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể; lực lượng vũ trang làm nòng cốt; bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách; các cấp, các ngành, các lực lượng và mọi người dân trong tỉnh cần phải đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp, rộng khắp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, của đất nước trong tình hình mới.
Ý kiến ()