Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới
Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân tộc” được nhắc 21 lần và có tám lần nói về “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Không phải ngẫu nhiên từ thời kỳ dựng nước đến nay, đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại được đề cao như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng chỉ rõ, “sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân”.
Trong thời kỳ mới, để thấm nhuần quan điểm của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta phải quán triệt sâu sắc những bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khẳng định trong thực tiễn. Trước hết, phải quán triệt và thực hiện cho được quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”. Bước vào thời kỳ mới, quan điểm “Dân là gốc” phải được coi là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Sự nghiệp đổi mới đất nước là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, nên mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ dân, dựa vào dân để thực hiện.
Đảng ta xác định, dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, thể hiện mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thực hiện dân chủ chính là điều kiện quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Nguyễn Trãi từng nói “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Trong bài báo “Dân vận” nổi tiếng viết năm 1949, Bác Hồ đã nói về dân chủ một cách giản dị nhưng rất rõ ràng, chuẩn xác: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “… thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Xã hội càng phát triển thì đòi hỏi trình độ dân chủ trong xã hội càng cao. Mặt khác, dân chủ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đo lường sự phát triển lành mạnh của xã hội bởi lẽ bảo đảm và phát huy dân chủ là bảo đảm tôn trọng và thực hiện quyền con người, quyền và lợi ích của người dân trên tư cách người chủ của xã hội. Dân chủ phải đi liền với bảo đảm trật tự, kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Vì vậy, dân chủ trong điều kiện mới phải thể hiện trong các thể chế, thiết chế của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị cũng như trong các quan hệ xã hội trong đó phải đề cao tính công khai, minh bạch, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân. Có dân chủ thật sự mới có đoàn kết thật sự, mất dân chủ thì không có đoàn kết. Xây dựng nền dân chủ để từ đó phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển đất nước chính là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.
Để xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó con người có cơ hội phát triển toàn diện, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong các điều kiện cần thiết là phải bảo đảm dân sinh. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách để ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn những hạn chế. Sự phát triển các lĩnh vực, các vùng, miền thiếu đồng bộ, sự chênh lệch trong hưởng thụ các giá trị của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng, đô thị còn lớn; giảm nghèo chưa bền vững; khoảng cách giàu – nghèo, sự chênh lệch trong thu nhập ngày càng gia tăng… Đây là những vấn đề cần chia sẻ, cần khắc phục, không để mâu thuẫn phát sinh. Vì vậy, giải quyết tốt vấn đề dân sinh cần được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong thời kỳ mới. Vấn đề cốt lõi là cần tập trung xây dựng và thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội, nhất là các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển.
Nền tảng để xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn là sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm sự phát triển hài hòa trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong hoạch định chính sách và quản lý xã hội, phải tránh tư tưởng nôn nóng trong tăng trưởng mà quản lý phát triển xã hội không tốt, đồng thời phải từng bước khắc phục tình trạng bất bình đẳng, đạo đức xã hội xuống cấp, đời sống văn hóa có những biểu hiện thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, xa lạ với truyền thống dân tộc. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn là bảo đảm sự đồng tâm, hợp lực trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và chủ quyền biển đảo thiêng liêng, thể hiện khí phách dân tộc như trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam), bài thơ có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà.
Kế tục và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, MTTQ Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, điều quan trọng là tán thành công cuộc đổi mới, giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện được mục tiêu trên, phải tăng cường và mở rộng MTTQ Việt Nam như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu, không chỉ dừng lại ở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi lẽ, Mặt trận được tăng cường mới xứng đáng với sứ mệnh lịch sử là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu, trong đó Đảng vừa là thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận được tăng cường mới đủ sức làm được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; mới đáp ứng yêu cầu là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đủ sức làm trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; làm nòng cốt là trung tâm tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước.
Trong thời kỳ mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đi đôi với tăng cường đoàn kết quốc tế. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, góp phần tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp có hiệu quả vào các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác phát triển.
Khi đã thấu suốt những quan điểm, bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc đã được minh chứng trong thực tiễn, được khẳng định về mặt lý luận và thực hiện một cách cụ thể, có những quyết sách rõ ràng với tấm gương minh chủ thì sẽ tạo được sự đồng thuận và lòng tin vững chắc trong nhân dân, từ đó tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được hội tụ, phát huy được sức mạnh thần kỳ trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()