Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên mảnh đất biên cương Xứ Lạng
Phạm Ngọc Thưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
(LSO) –Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng; có đường biên giới tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc dài 231,74 km, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ có các tuyến quốc lộ: 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và Lạng Sơn – Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh – Singapore), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Đây là điều kiện thuận lợi để giao thương, phát triển kinh tế, xã hội nói chung, vùng dân tộc thiểu số tỉnh nói riêng. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 8.310,09 km2, với 11 đơn vị hành chính gồm 10 huyện và 1 thành phố loại II; 207 xã, 5 phường, 14 thị trấn, trong đó có 5 huyện biên giới với 1 thị trấn, 20 xã biên giới. Toàn tỉnh có 1.850 thôn, bản, khối phố. Dân số toàn tỉnh hiện khoảng 782.666 người, khu vực nông thôn chiếm 79,5%; mật độ dân số trung bình 94 người/km2 với hơn 30 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc chủ yếu, gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc khác. Trong lịch sử phát triển, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cần cù, chịu khó, lao động sáng tạo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản vật của các huyện, thành phố. Ảnh: NGỌC HIẾU
Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; nêu cao và khơi dậy tinh thần đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn lần thứ II, năm 2014; với việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của địa phương, đặc biệt với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh đã từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế; thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông – lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 còn 10,89%, tốc độ giảm nghèo bình quân đạt 3,61%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng/người/năm.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia nghiên cứu tài liệu tuyên truyền pháp luật. Ảnh: NGỌC HIẾU
Hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư. Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 94,69% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được bốn mùa; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 98,31% hộ dân được sử dụng điện; trên 99,4% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; trên 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% người dân nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam, 95% số hộ dân được xem truyền hình, trong đó có Đài Truyền hình Lạng Sơn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, Nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực; hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình phát triển sản xuất được quan tâm triển khai có hiệu quả, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Hết năm 2019 toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đặc biệt khó khăn, 4 xã biên giới; có 1 đơn vị cấp huyện là thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2017. Với các kết quả đạt được đã làm cho diện mạo nông thôn Lạng Sơn thay đổi một cách rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chăm lo và có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác chăm sóc sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực, tất cả các xã đều có trạm y tế, số bác sỹ/10.000 dân đạt 10,8 bác sỹ, số giường bệnh/10.000 dân đạt 30,3 giường, 63,7% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông được tăng cường xuống cơ sở, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được khôi phục và từng bước phát huy giá trị.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm, nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh đã và đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt quan trọng trong hệ thống chính trị từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở. Nhiều đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng đã gương mẫu đi đầu, trở thành trung tâm đoàn kết trong thực hiện và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày một vững chắc.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc của tỉnh nhà vẫn còn những hạn chế cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đó là:
Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao chiếm 92,76% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư, song còn hạn chế. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.
Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn biểu hiện tâm lý tự ti, ỷ lại, thiếu quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện một số chương trình có lúc còn chậm; nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách dân tộc còn thiếu và dàn trải.
Thời gian tới để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục hạn chế hạn chế trong thực hiện chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất: Cần làm tốt công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền nhằm phát huy được tính năng động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường của đồng các dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.
Thứ hai: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quan tâm của chính quyền đối với công tác dân tộc, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc để triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc.
Thứ ba: Thường xuyên chăm lo đời sống, kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc.
Thứ tư: Thực hiện cơ chế lồng ghép linh hoạt để tập trung mọi nguồn lực từ các chính sách, chương trình, dự án để giải quyết các vấn đề then chốt của công tác dân tộc trên địa bàn như việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt cần chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, vùng sản xuất để tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc.
Thứ năm: Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kêu gọi đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để chung sức xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày giàu đẹp, phát triển.
P.N.T
Ý kiến ()