Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân
– Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm dân là gốc”. Thực hiện quan điểm trên, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu thực hiện. Qua đây, góp phần khơi dậy sức mạnh toàn dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.
Đoàn giám sát, kiểm tra của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát thực tế mô hình kinh tế tại thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập – Ảnh : Ngọc Hiếu
Nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Coi trọng phát huy dân chủ
Đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu “Nhân dân làm chủ” trong thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy dân chủ; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện, phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân.
Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đều liên quan đến cuộc sống và phục vụ lợi ích của Nhân dân, do vậy cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những cách làm, mô hình phát huy quyền làm chủ của người dân.
Nổi bật như xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” (CQTT). Thực hiện Đề án số 01-ĐA/BDVTU-UBND ngày 24/4/2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBND tỉnh về xây dựng mô hình điểm CQTT cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo xây dựng mô hình CQTT các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo đó, chính quyền, cơ quan chuyên môn đã tham mưu xây dựng kế hoạch với những giải pháp cụ thể, tập trung vào một số nội dung: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và trang bị cơ sở vật chất để phục vụ Nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng chính quyền.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có 166/200 xã, phường, thị trấn đã và đang xây dựng mô hình (năm 2019 mới chỉ xây dựng 17 mô hình điểm). Qua triển khai nhận thấy, tại các đơn vị xây dựng đều có những chuyển biến tích cực, cán bộ, công chức nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy trình, nhanh, gọn. Đơn cử năm 2022, tỷ lệ hài lòng của công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính đạt 97,6% (tăng 0,76% so với năm 2019); các xã xây dựng CQTT tổ chức 215 cuộc đối thoại với Nhân dân (tăng 161 cuộc so với năm 2019), gửi 867 thư cảm ơn tổ chức, cá nhân (tăng 818 thư so với năm 2019)…
Xã Đề Thám, huyện Tràng Định xây dựng CQTT từ năm 2019 đến nay. Mô hình đã đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Chị Lý Thị Kim Huyên, thôn Bản Quyền, xã Đề Thám cho cho biết: Mỗi khi đến xã làm các thủ tục hành chính, tôi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, công việc giải quyết nhanh chóng, hiệu quả hơn so với những năm trước nên chúng tôi rất hài lòng. Các chủ trương, chính sách, kế hoạch đều được xã thông tin kịp thời, công khai, lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Do đó, chúng tôi cũng rất đồng tình thực hiện.
Không chỉ vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng thực hiện công tác đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Trung bình mỗi năm, cấp huyện, xã đảm bảo tổ chức đối thoại đạt và vượt so với kế hoạch (cấp huyện và cấp xã tổ chức đối thoại ít nhất 1 cuộc/năm). Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, tại mỗi cuộc đối thoại, cấp ủy chính quyền các cấp đã giải quyết trực tiếp trên 80% số ý kiến của người dân. Qua đó, kịp thời giải đáp nhiều vấn đề vướng mắc và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo đồng thuận từ cơ sở.
Cùng đó, để phát huy dân chủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hướng dẫn các tổ chức thành viên tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về thực hiện quy chế dân chủ; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, tạo điều kiện cho người dân được tham gia ý kiến góp ý xây dựng đảng, chính quyền, nhất là tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết của HĐND, đề án phát triển kinh tế của địa phương…
Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về quy chế giám sát và phản biện xã hội. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các thành viên đã tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân, phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhân dân. Đơn cử trong quý I/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, các tổ chức thành viên của MTTQ, các hội đồng tư vấn, khu dân cư đã phối hợp tổ chức 1.540 hội nghị với 98.768 đại biểu tham dự, có 2.316 ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Các hội nghị được đại biểu hết sức quan tâm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, xác đáng, sát với tình hình thực tiễn.
Quyền làm chủ của Nhân dân còn được thể hiện qua công tác giám sát thông qua hoạt động của HĐND các cấp, vai trò người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy; thực hiện tốt chế độ “Dân chủ đại diện”, duy trì hiệu quả hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và các ban của HĐND dân tỉnh. Hoạt động của HĐND các cấp ngày càng được đổi mới, nâng cao về chất lượng và hiệu quả, thực chất, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, phiên giải trình bảo đảm thật sự dân chủ, có trọng tâm, trọng điểm. Từ năm 2020 đến nay, đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri được hơn 500 cuộc với hơn 36.000 lượt cử tri tham dự. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan Nhà nước xem xét giải quyết, trả lời tại các kỳ họp HĐND; tỷ lệ các ý kiến kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt 87,2%.
Người dân theo dõi quy hoạch chi tiết khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn tại nhà văn hóa khối -Ảnh : Gia Khánh
Những việc làm thiết thực
Từ việc đa dạng các hình thức phát huy dân chủ, người dân hiểu và nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được tham gia, góp ý, giám sát thực hiện. Qua đó, Nhân dân đồng lòng chung sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa bàn, cơ sở. Tìm hiểu thực tế tại thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng những năm qua, người dân luôn ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thuận đóng góp tiền, ngày công để xây dựng các công trình. Đơn cử như công trình cầu dân sinh thôn Tồng Cút được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 3/2023 vừa qua. Công trình có tổng mức đầu tư 184 triệu đồng, kinh phí do người dân đóng góp và Huyện đoàn Chi Lăng kêu gọi xã hội hoá.
Ông Lăng Văn Thống, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy cho biết: Trước thực trạng người dân xóm Nà Keng cần có cây cầu để phục vụ đi lại, giao thương, chi bộ, thôn đã thông qua việc xây dựng cầu, nêu vấn đề để Nhân dân góp ý. Khi được tham gia bàn bạc, góp ý, người dân trong thôn đồng thuận góp vật liệu, ngày công tương đương hơn 100 triệu đồng để xây cầu.
Cùng với thôn Tồng Cút, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện Chi Lăng đã cứng hoá được 14 công trình cầu, ngầm dân sinh với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động xã hội hoá từ Nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức ủng hộ được 1,6 tỷ đồng; nguồn còn lại là từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Không chỉ tại Chi Lăng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua việc công khai các chủ trương phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, được Nhân dân ủng hộ và tích cực đóng góp để cùng chung tay thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Từ năm 2021 đến nay, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã hiến trên hơn 200 nghìn mét vuông đất, hơn 200 nghìn ngày công lao động để chỉnh trang, tu sửa đường giao thông, công trình công cộng… Đến nay, toàn tỉnh đã có 86 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ông Hoàng Văn Bảo, thôn Tân Tiến, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: Được tuyên truyền về chủ trương xây dựng NTM, gia đình tôi đã hiến trên 500 m2 đất để làm đường giao thông. Cuối năm 2022, xã đã đạt chuẩn NTM. Chúng tôi rất phấn khởi khi đường làng, ngõ xóm rộng đẹp hơn, cuộc sống của người dân ấm no hơn.
Đặc biệt gần đây, hưởng ứng cuộc vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới của Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động từ tháng 11/2022; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tham gia nhiệt tình. Tính đến ngày 8/6/2023, toàn tỉnh đã xây dựng thêm được 88 đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới với tổng chiều dài 12.000 m, kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng.
Có thể nói, việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Qua đó, đã tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể chế hóa và đi vào cuộc sống; góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnhn
THANH MAI - DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()