Phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên
Là địa bàn có miền núi và vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra chủ trương đến năm 2025 có 95% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), ít nhất sáu đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc để thực hiện mục tiêu này, trong đó, công tác dân vận đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Để người dân là chủ thể
Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa tạo động lực, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực nhân dân trong xây dựng NTM. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh có 108 trong tổng số 137 xã được công nhận NTM, chiếm tỷ lệ gần 79%. Huyện Phú Bình là địa phương có toàn bộ số xã đạt chuẩn NTM, có nhiều cách làm hay và hiệu quả để xây dựng NTM thật sự hướng tới cải thiện đời sống người dân. Trong quá trình xây dựng NTM nhiều địa phương thường bắt đầu từ việc cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng thiết chế, tạo diện mạo NTM rồi đi dần vào cải tạo nếp sống. Ở Phú Bình thì ngược lại, đó là cải tạo nếp sống, nâng cao nhận thức của người dân để từ đó lan tỏa ra cộng đồng. Thực tế ở Phú Bình đã cho thấy, khi người dân trở thành chủ thể, họ nhập cuộc một cách chủ động; đem cả tinh thần lẫn tài sản ủng hộ công cuộc xây dựng NTM. Xóm Phẩm, xã Dương Thành là một thí dụ. Tại đây, phong trào hiến đất mở đường diễn ra rất sôi nổi và con đường được mở rộng từ 2,5 m lên 5 m đã tạo ra diện mạo mới cho làng quê. Tại xã Bàn Đạt, địa phương về đích NTM năm 2020 lại có một cách làm khác nhưng vẫn dựa trên tinh thần tôn trọng vai trò chủ thể của người dân. Xã tận dụng mọi nguồn lực dồn cho từng cụm dân cư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Với phương pháp thực hành xây dựng “cuốn chiếu” kết cấu hạ tầng được làm đến đâu chắc đến đó. Xã Bàn Đạt là xã thuộc Chương trình 135, có 60% dân số là người dân tộc Sán Dìu, về đích NTM đúng thời hạn là một bất ngờ với nhiều người. Nhìn lại quá trình đi lên của xã, có thể thấy, đây là một thế hiệp đồng cộng hưởng bản lĩnh và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người dân. Trong đó nổi lên vai trò của Bí thư Đảng ủy xã Bàn Đạt, Phạm Văn Bảy. Anh Bảy đã khéo vận dụng sự hỗ trợ của cấp trên (gồm kinh phí, vật liệu xây dựng); phát huy dân chủ để người dân đồng thuận, tránh được mọi tị hiềm, khiếu kiện.
Chánh Văn phòng Đảng ủy huyện Phú Bình, Phạm Minh Tân nhìn nhận: Bài học kinh nghiệm của Phú Bình chính là phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp. Trong đó, công tác dân vận, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đóng vai trò then chốt. Khi lòng dân đã thuận, khi người đứng đầu cấp ủy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ tạo ra sự thống nhất, cùng hướng tới một mục tiêu là minh chứng về sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị – xã hội địa phương trong xây dựng NTM. Đơn cử như phong trào “Năm không, ba sạch” của hội phụ nữ nhiều thôn, xã: Các bà, các mẹ, các chị đã giáo dục con, em mình hình thành nếp sống sạch, xanh, sáng, đẹp ngay từ trong mỗi nếp nhà; trẻ em hình thành ý thức tự giác phân loại rác thải từ đầu nguồn… góp phần giúp địa phương đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM. Trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên lại có cách làm hiệu quả thông qua hệ thống tuyên truyền viên, báo cáo viên để vận động nhân dân. Năm 2020, Phú Xá đã cải tạo, mở rộng nhiều tuyến đường. Việc giải phóng mặt bằng, di dời các hộ gia đình qua khu vực tái định cư diễn ra nhanh chóng, thuận lợi do người dân đã nắm được thông tin, nhận thức rõ về chủ trương của thành phố từ nhiều tháng trước. Bí thư Đảng ủy phường Phú Xá, Phan Hà Bắc cho biết: Phường có hơn 40 đồng chí tuyên truyền viên, nòng cốt là bí thư chi bộ các tổ dân phố hoạt động rất tích cực, đã tổ chức được hơn một trăm đợt tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người tham dự. Về sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị – xã hội địa phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thái Nguyên Hà Huy Hoàng khẳng định: Công tác dân vận đã góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Nhân tố tiên quyết
Thực tế cho thấy, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã được tỉnh từng bước thể chế hóa thành các quy chế, quy định để thực hiện trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong lĩnh vực công tác này chuyển biến tiến bộ theo hướng ngày càng cụ thể, rõ việc, rõ người. Theo đó, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý theo hướng tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân. Công tác dân vận trong xây dựng NTM được phát huy. Việc đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh được coi trọng. Với sự tham gia phát huy sức mạnh, sự đóng góp của nhân dân, cơ sở hạ tầng phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; số xã đặc biệt khó khăn của tỉnh giảm nhanh qua từng giai đoạn.
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên, Vũ Minh Tuấn khái quát: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huy động sự tham gia hiệu quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân, toàn tỉnh từ bình quân đạt 4,85 tiêu chí/xã ban đầu, đến nay đã tăng lên 16,5 tiêu chí/xã; nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh về đích trước một năm so với mục tiêu tỉnh đã đề ra… Những năm qua, công tác dân vận trong xây dựng NTM ở Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực. Với sự tham mưu của Ban Dân vận, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả nội dung này, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, góp phần vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong 10 năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành bốn đề án về công tác dân vận: Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng bộ giai đoạn 2010 – 2015 và 2016 – 2020 và Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2010 – 2015 và 2016 – 2019; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hàng chục nghị quyết, chỉ thị và các văn bản liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng bộ. Qua đó, đã có tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân ở cơ sở trong xây dựng NTM như làm các công trình: Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… Cùng với đó, Ban cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo hướng dẫn hệ thống dân vận trong tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với các ngành triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với xây dựng NTM ở cơ sở. Tăng cường các hoạt động phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính – trị xã hội, phát động nhiều phong trào thi đua gắn với phong trào thi đua dân vận khéo. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 6.000 mô hình “dân vận khéo”, hơn 3.000 tổ dân vận, mang lại hiệu quả thiết thực cho thực hiện từng tiêu chí trong xây dựng NTM, được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia.
Quá trình 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thái Nguyên tổng kết được nhiều kinh nghiệm quý, nổi bật là: Tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về xây dựng NTM; công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó hệ thống dân vận và cán bộ phụ trách công tác dân vận đóng vai trò tham mưu; phát huy vai trò của công tác dân vận trong hệ thống chính trị, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn với kiểm tra, đôn đốc cán bộ trong thực thi công vụ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích; việc chọn địa phương để làm điểm của từng năm để chỉ đạo công tác dân vận trong xây dựng NTM với sự vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của cả hệ thống chính trị nhằm phát huy nội lực, sức sáng tạo của cộng đồng trong xây dựng NTM.
Ý kiến ()