Phát huy mô hình trung tâm học tập cộng đồng
(LSO) – Với phương châm “cần gì học nấy”, thời gian qua, các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) trên địa bàn tỉnh đã và đang hoạt động có chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay hệ thống các trung tâm HTCĐ đã được mở rộng đến cơ sở với 100% các xã, phường, thị trấn có trung tâm HTCĐ; 100% các trung tâm có giáo viên bán chuyên trách. Cô Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Các trung tâm HTCĐ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên và suốt đời. Một số trung tâm đã phát huy hiệu quả trong việc tổ chức cho người dân học tập các chuyên đề về văn hóa, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ, giúp nông dân tăng năng suất lao động, phát triển cây trồng, vật nuôi; đồng thời góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Qua đánh giá, hiện có 42,48% trung tâm HTCĐ được xếp loại tốt; 48,67% xếp loại khá.
Lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm HTCĐ xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc tuyên truyền phòng chống ma túy cho nhân dân
Điển hình như các trung tâm HTCĐ ở các xã, thị trấn biên giới, theo thống kê từ năm 2016 đến nay, ngoài dạy học văn hóa, các trung tâm HTCĐ này đã tích cực phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức được 852 lớp chuyên đề và các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 42.000 lượt người tham gia; phối hợp tổ chức các buổi học mang tên “Biên giới với học đường” được 62 cuộc cho 2.800 lượt học sinh và 315 lượt giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó, góp phần phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và an ninh biên giới đến mọi người dân.
Với phương châm “cần gì học nấy”, mỗi năm, các trung tâm HTCĐ tổ chức từ 20 – 30 lớp tập huấn với các nội dung, như: chuyển giao khoa học – kỹ thuật; kiến thức pháp luật; dạy nghề gắn với việc làm… Những lớp học này đã thu hút hàng nghìn lượt học viên tham gia. Tính riêng trong năm 2018, qua thông kê các trung tâm HTCĐ trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức được gần 6.000 cuộc về công tác giáo dục văn hóa, pháp luật, sức khỏe, dạy nghề… cho nhân dân, góp phần đáng kể vào việc nâng cao dân trí, phổ cập giáo dục của tỉnh.
Hình thức học tập tại trung tâm rất đa dạng, từ việc phổ biến kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa, trung tâm HTCĐ còn tổ chức các lớp học xóa mù chữ, sau xóa mù chữ; tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ; tổ chức hoạt động đọc sách báo, tư vấn, trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề khác nhau như: sản xuất, sức khỏe dinh dưỡng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các trung tâm còn phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn; các hoạt động tư vấn sức khỏe cộng đồng, dân số – kế hoạch hóa gia đình.
Tuy nhiên, so với nhiệm vụ và mục tiêu đề ra thì các trung tâm vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế như: cơ sở vật chất, trang thiết bị của đa số trung tâm HTCĐ còn nghèo nàn, thiếu thốn. Hằng năm, các trung tâm HTCĐ chỉ được cấp từ 25 – 32 triệu đồng phục vụ chi trả phụ cấp cho ban quản lý và tổ chức các hoạt động nên hiệu quả rất thấp.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm này, thời gian tới, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, ban quản lý các trung tâm HTCĐ cần chủ động huy động kinh phí từ các đề án, chương trình kinh tế – xã hội được triển khai tại địa phương, các nguồn xã hội hóa… để bảo đảm có đủ nguồn lực tổ chức hoạt động. Bên cạnh đó, cần chú trọng phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thống nhất kế hoạch hoạt động, tránh chồng chéo…
Ý kiến ()