Phát huy mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn mới
Ngày 1-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2013/NÐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Như vậy, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập vào tháng 6-2005, sau tám năm, SCIC đã có hành lang pháp lý mới cho hoạt động đặc thù của Tổng công ty. Nghị định mới cũng tiếp tục khẳng định chủ trương của Ðảng và Chính phủ về việc phát huy mô hình SCIC trong giai đoạn mới.
Ngày 1-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2013/NÐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Như vậy, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập vào tháng 6-2005, sau tám năm, SCIC đã có hành lang pháp lý mới cho hoạt động đặc thù của Tổng công ty. Nghị định mới cũng tiếp tục khẳng định chủ trương của Ðảng và Chính phủ về việc phát huy mô hình SCIC trong giai đoạn mới.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3, Hội nghị T.Ư 9 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa IX và Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 151/2005/QÐ-TTg ngày 20-6-2005 thành lập Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC được xác định là một tổ chức kinh tế đặc biệt nhằm đổi mới phương thức quản lý vốn từ cơ chế “cấp phát vốn” thông qua các cơ quan quản lý nhà nước sang “đầu tư vốn” thông qua một tổ chức đầu tư tài chính của nhà nước theo nguyên tắc thị trường; đồng thời từng bước thống nhất quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (DN).
Thành công bước đầu sau tám năm
Trong tám năm (từ năm 2006 đến 2013), SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 DN. Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu vốn nhà nước tại DN, SCIC đã triển khai bán phần vốn Nhà nước tại các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối, đồng thời thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế trên nguyên tắc hiệu quả. Tính đến nay, SCIC đã thực hiện bán vốn tại hơn 600 DN, thu về cho Nhà nước gần 4.000 tỷ đồng (so với giá trị sổ sách, khoản tiền thu được cao gấp hơn hai lần, với hơn 2.000 tỷ đồng giá trị thặng dư). Ðiều này cho thấy, thông qua sự quản lý của SCIC, đồng vốn nhà nước đã được bảo toàn và gia tăng đáng kể về giá trị… Bên cạnh đó, SCIC đã trực tiếp thực hiện đổi mới, sắp xếp và cổ phần hóa thành công 22 công ty TNHH 100% vốn nhà nước tiếp nhận từ các bộ, ngành, địa phương (tổng số 26 công ty TNHH đã tiếp nhận).
Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, Tổng công ty đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức như mua cổ phiếu, trái phiếu DN; góp vốn thành lập DN mới; đầu tư tăng vốn tại các DN có lợi thế trong sản xuất, kinh doanh; đầu tư dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao…; hợp tác các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm. Danh mục đầu tư của Tổng công ty (sau khi đã thoái vốn) tại thời điểm 30-9-2013 có tổng giá trị theo sổ kế toán hơn 14 nghìn tỷ đồng, theo giá thị trường ước đạt 71 nghìn tỷ đồng, gấp gần năm lần so với giá trị sổ sách.
Thông qua hoạt động quản lý vốn của SCIC, phần lớn các DN sau khi chuyển giao về Tổng công ty đều đạt kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá. So với thời điểm tiếp nhận đến 31-12-2012, vốn chủ sở hữu của các DN tăng 92% và vốn điều lệ tăng 87%, lợi nhuận tăng trưởng gấp hơn ba lần, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng từ 15,8% lên 16,8%. Một số DN đã có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế như Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong, Công ty cổ phần dược Hậu Giang…
Ðánh giá hiệu quả kinh doanh của SCIC, quy mô vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty đều đạt mức tăng trưởng khá qua các năm. Tính đến ngày 30-9-2013, tổng tài sản của SCIC đã tăng gấp 13 lần so với thời điểm thành lập năm 2006 (từ 6.009 tỷ đồng lên gần 7 nghìn tỷ đồng), tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng hơn tám lần (từ khoảng 3.700 tỷ đồng lên hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng từ nguồn lợi nhuận hằng năm hơn 13 nghìn tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 36 lần so với năm 2006. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty năm 2012 đạt 22%. Ðây là những con số về hiệu quả kinh doanh khá ấn tượng của SCIC trong số các DNNN.
Sau tám năm hoạt động, SCIC đã tạo lập và phát triển quan hệ sâu rộng với nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, các tổ chức đầu tư tài chính cả trong nước và quốc tế. Hệ thống người đại diện phần vốn nhà nước của Tổng công ty hiện nay với hơn 400 người tại các DN trên địa bàn cả nước chủ yếu giữ các vị trí lãnh đạo tại các DN có vốn của SCIC. Công tác phối hợp với hệ thống người đại diện trong hoạt động quản trị DN và thực hiện quyền cổ đông nhà nước luôn được SCIC chú trọng và được xem là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào hiệu quả quản lý vốn nhà nước của SCIC.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển, SCIC là mô hình quản lý vốn nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay, vì SCIC vừa thực hiện kinh doanh vốn, vừa thực hiện chức năng quản lý vốn nhà nước, đã góp phần xóa bỏ được cơ chế chủ quản DN. Theo đánh giá của Chủ tịch HÐQT CTCP dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga, từ khi SCIC quản lý phần vốn nhà nước tại DN, kết quả kinh doanh, giá trị DN và uy tín thương hiệu dược Hậu Giang (DHG) ngày càng gia tăng. SCIC đã hỗ trợ DHG tiếp cận với thị trường vốn, tư vấn nâng cao năng lực quản trị, hài hòa lợi ích giữa cổ đông, DN và người lao động, gia tăng giá trị DN.
Cơ chế hoạt động mới của SCIC
Nhằm củng cố, phát triển mô hình SCIC, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc trong hoạt động đối với SCIC, Ban Cán sự Ðảng Chính phủ đã xây dựng, báo cáo và được Bộ Chính trị phê duyệt Ðề án “Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của SCIC”. Tại Kết luận số 78-KL/TW ngày 26-7-2010, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho SCIC hoạt động có hiệu quả, làm rõ địa vị pháp lý và hướng hoạt động của SCIC.
Ngày 1-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NÐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC. Nghị định này kế thừa và quy định rõ hơn các nhiệm vụ mang tính đặc thù của SCIC. Trên cơ sở những kinh nghiệm đúc rút qua quá trình hoạt động tám năm qua của SCIC, Nghị định mới đã quy định một số cơ chế mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của SCIC. Cụ thể như: về tiếp nhận chuyển giao, SCIC sẽ tiếp nhận cả các công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do các bộ, địa phương làm đại diện chủ sở hữu. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. SCIC không tiếp nhận các DN chủ yếu làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ an ninh – quốc phòng. Khi tiếp nhận, Nghị định yêu cầu SCIC phải thực hiện đánh giá lại vốn nhà nước sát với thị trường để làm căn cứ quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý vốn của SCIC, trích thưởng thành tích quản lý vốn.
Ðối với hoạt động bán vốn nhà nước tại các DN, Nghị định cho phép SCIC chủ động bán vốn theo đúng tiêu chí, danh mục DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn. SCIC được sử dụng nhiều hình thức bán vốn như khớp lệnh, đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận, hoán đổi cổ phiếu. Nghị định cũng xác định rõ việc bán vốn của SCIC tại các DN tiếp nhận là nhằm mục tiêu tiếp tục cổ phần hóa, giảm vốn nhà nước tại các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn, không phải là bán vốn của cổ đông sáng lập và không phải thực hiện theo quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định một số nguyên tắc cho phép hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá không thành công; đấu giá bán cả lô đối với các DN thuộc đối tượng bán hết vốn nhà nước và bán thấp hơn mệnh giá đối với các DN thua lỗ nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư.
Về hoạt động đầu tư, Nghị định quy định cụ thể lĩnh vực đầu tư của SCIC bao gồm: đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty hoặc công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – công ty con hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà Nhà nước cần nắm giữ quyền chi phối; đầu tư theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào những lĩnh vực trọng yếu; đầu tư bổ sung vốn vào các DN có vốn của SCIC. SCIC phải dành tối thiểu 70% tổng mức vốn đầu tư để thực hiện các hoạt động đầu tư trên, còn lại 30%, Tổng công ty chủ động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Ðạo, thời gian hoạt động tám năm qua đã cho SCIC những kinh nghiệm nhất định trong công tác đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN và thực hiện đầu tư kinh doanh vốn. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, với hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động mới, Tổng công ty sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ Ðảng và Chính phủ giao: tiếp nhận và quản lý có hiệu quả vốn nhà nước tại các DN, đẩy mạnh hoạt động bán vốn nhằm nhanh chóng tái cơ cấu vốn nhà nước, đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()