Phát huy mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”
Sau 2 năm phát động thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, giáo dục mầm non ở các địa phương trong tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt, ngày càng lôi cuốn học sinh đến trường.
Giờ vui chơi ngoài trời của học sinh trường mầm non 19/5,
thành phố Lạng Sơn
Bà Vi Thị Giao, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đòi hỏi các nhà trường phải đảm bảo được cơ sở vật chất, diện tích phòng học, sân chơi đầy đủ; đồ dùng học tập, đồ chơi phong phú; giáo viên phải có trình độ chuyên môn tốt, nắm vững và thực hiện tốt yêu cầu, mục tiêu, phương pháp học tập của mô hình. Để thực hiện hiệu quả chuyên đề này, sở đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; cách thức phối hợp với cha mẹ trẻ và các tổ chức xã hội trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; trang bị tài liệu, hướng dẫn thực hiện chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên…
Từ năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo hơn 230 trường mầm non của 11/11 huyện, thành phố xây dựng và triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Qua quá trình thực hiện chuyên đề tại các trường đã xây dựng được môi trường giáo dục tích cực cả trong và ngoài lớp học. Trong các trường học, trẻ không chỉ được dạy dỗ, chăm sóc theo đúng quy định mà còn được khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo; trẻ có thiếu hụt về thể chất hay có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi vậy, năm học 2017 – 2018, Sở GD & ĐT đã chỉ đạo 100% các trường mầm non trên địa bàn thực hiện mô hình này.
Cô Lã Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” là mô hình giáo dục mở. Áp dụng mô hình giáo dục này, phương pháp dạy học cũng thay đổi, chuyển nhanh sang tư duy tổ chức các hoạt động, điều khiển và hỗ trợ trẻ đúng lúc, không làm thay trẻ, tăng cường sự tương tác với trẻ và giữa trẻ với nhau, giúp trẻ chủ động tham gia vào mọi hoạt động, bảo đảm tính phù hợp về nhu cầu, năng khiếu cá nhân. Thông qua đó, giúp trẻ được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động vừa học, vừa chơi.
Không chỉ đổi mới phương pháp, các trường còn chủ động cải tạo khuôn viên, sân trường, tạo dựng môi trường học tập thân thiện với trẻ. Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Năm học 2017 – 2018 vừa qua, nhà trường đã vận động giáo viên và phụ huynh tham gia xây dựng lại khuôn viên, cảnh quan sân trường với các hàng cây, công viên, vườn hoa đảm bảo an toàn, thân thiện… tạo thành khu vui chơi, trải nghiệm môi trường thực tế cho trẻ, giúp trẻ yêu thích, hứng thú đến trường học tập.
Theo thống kê, trong năm học 2017 – 2018 vừa qua, 100% trẻ được đảm bảo an toàn; 100% trường mầm non có tổ chức bán trú, học 2 buổi/ngày. Đặc biệt tỉ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ đạt 41,6%; mẫu giáo đạt 99,5% và mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9%. Trong khi đó, năm học 2015 – 2016, tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ đạt 36,2%, độ tuổi mẫu giáo đạt 97,6%, trong đó, mẫu giáo 5 tuổi đạt 99%.
Có thể thấy, với những tiêu chí tích cực, với nhiều hoạt động vừa học tập, vừa vui chơi phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã và đang góp phần thay đổi diện mạo giáo dục mầm non của tỉnh.
Sau 2 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, toàn tỉnh đã huy động được trên 18,2 tỷ đồng; trên 78.470 ngày công xây dựng, tu sửa, trang trí lớp học, sân chơi cho trẻ; vận động quyên góp, ủng hộ được trên 22.270 bộ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Nhờ đó, chất lượng giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao. |
Ý kiến ()