Phát huy mạnh mẽ nguồn lực, giá trị, trí tuệ con người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu
Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Nhật.. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Các đại biểu thông báo về tình hình đời sống, học tập, sinh hoạt và làm việc tại nước sở tại; khẳng định lòng tự hào dân tộc, tình cảm sâu sắc với quê hương, đất nước với những hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua; bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới. Đồng thời, các đại biểu nêu một số đề xuất kiến nghị liên quan tới mở lại đường bay Việt Nam-Nhật Bản, dạy Tiếng Việt cho con em kiều bào…
Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại cuộc gặp mặt, như các sinh viên Việt Nam hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong lúc dịch bệnh phức tạp, công việc làm thêm của các em bị ảnh hưởng. Cộng đồng người Việt sẽ luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên và đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đóng góp cho nước sở tại và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng chứng kiến trao văn bản hợp tác giữa công ty DIC và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng cảm ơn kiều bào đã dành thời gian, đi từ nhiều nơi rất xa tới Tokyo tham dự cuộc gặp mặt. Chia sẻ với đồng bào về truyền thống văn hóa-lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh với nhiều gian khổ, hy sinh mới giành được độc lập, thống nhất đất nước, lại trải qua thời gian bao vây, cấm vận kéo dài, sau đó mới tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986.
Từ lúc rất khó khăn khi bắt đầu đổi mới, “làm không đủ ăn, xuất không đủ nhập, thu không đủ chi”, thu nhập bình quân đầu người chỉ 100 USD, đến nay, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quy mô GDP đứng thứ 4 trong ASEAN, thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19, song kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, với cách tiếp cận đúng đắn, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước và chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sau hơn một tháng chuyển trạng thái, tình hình kinh tế-xã hội đất nước khởi sắc, xuất nhập khẩu tăng, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng… Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ những người dân có đời sống gặp khó khăn do dịch bệnh.
Tiến sĩ Lê Đức Anh, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản gửi tặng Thủ tướng cuốn sách tập hợp 35 bài viết về sáng kiến, công nghệ mới tại Nhật Bản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào tại Nhật Bản, trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và phòng chống dịch bệnh, bà con dù còn những khó khăn nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Thủ tướng nhấn mạnh một chân lý là càng trong khó khăn, thách thức, người Việt Nam càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên và tất cả mọi chiến thắng đều là của nhân dân.
Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng nêu rõ, mối quan hệ giao lưu Việt Nam-Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, để lại nhiều di sản quý báu cho thế hệ hôm nay, điển hình như Hội An (Quảng Nam). Qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau, ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, tin cậy chính trị rất cao. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ 2 về đầu tư, thứ 3 về du lịch và thứ 4 về thương mại.
Nhật Bản rất tích cực ủng hộ Việt Nam về nhiều vấn đề trên các diễn đàn song phương và đa phương. Nhiều Thủ tướng của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm xuất ngoại đầu tiên sau khi nhậm chức. Chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này Thủ tướng cũng là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ngoài sau khi Nhật Bản bầu Thủ tướng và Nội các mới. Điều này thể hiện Nhật Bản coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam trên các lĩnh vực, cũng cho thấy vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng ký tên lên quả bóng đá giải đấu giao hữu giữa cộng đồng người Việt tại Nhật. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi cộng đồng người Việt tại Nhật Bản lớn mạnh nhanh chóng thời gian qua, gắn kết chặt chẽ với nước sở tại. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới khoảng 450.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản.
“Dù đi đâu, làm gì chúng ta cũng tự hào về con người Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh vấn đề an ninh con người và phát huy giá trị con người, lấy con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm, là chủ thể của sự phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn bà con kiều bào làm ăn, sinh sống ổn định, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khẳng định được năng lực, tuân thủ pháp luật, đóng góp cho nước sở tại, phát huy vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa hai nước, góp phần cùng cố vững chắc nền tảng của quan hệ hợp tác hữu nghị bền vững, lâu dài giữa hai nước, đồng thời luôn hướng về quê hương, chia sẻ khó khăn với đồng bào, đồng chí trong nước, đóng góp cho đất nước.
Về các kiến nghị của bà con, Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan nghiên cứu, mở lại đường bay giữa Việt Nam-Nhật Bản trên quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cũng ghi nhận kiến nghị liên quan tới bộ sách giáo khoa Tiếng Việt cho con em kiều bào, giao các cơ quan xử lý cụ thể bởi đây là nhu cầu rất chính đáng của bà con.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại cuộc gặp, GS. Trần Văn Thọ, nguyên giảng viên kinh tế tại Đại học Waseda chia sẻ một số ý kiến về chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam, nhấn mạnh yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy tốt hơn nguồn nhân lực Việt Nam tại Nhật, trong đó có các thực tập sinh và đặc biệt là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản.
Tại cuộc gặp các trí thức, nhà khoa học người Việt, Thủ tướng đã lắng nghe các báo cáo ngắn gọn về các thành tựu nghiên mới của các trí thức, nhà khoa học này trên nhiều lĩnh vực. Vui mừng trước các thành tựu nghiên cứu, ông tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát huy giá trị con người, trí tuệ Việt Nam và “đặt hàng”, gợi ý một số đề tài nghiên cứu mà thực tiễn đang đòi hỏi…
Ông đề nghị các trí thức, nhà khoa học tiếp tục nỗ lực nghiên cứu trong bối cảnh rất thuận lợi do quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, tiếp tục cống hiến cho khoa học, đóng góp cho nước sở tại, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tổng hợp các kiến nghị, góp ý, đề xuất tại cuộc gặp mặt và cho biết sẽ tiếp tục có các cơ chế làm việc cụ thể với các nhà khoc học, trí thức (trong đó có hình thức trực tuyến) theo các lĩnh vực như kinh tế, y tế, công nghệ thông tin… để phát huy hiệu quả cao nhất.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()