Phát huy lợi thế của di sản liên vùng
Kể từ năm 1993, khi lần đầu tiên Việt Nam có di tích được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới là quần thể di tích Cố đô Huế, đến nay sau 30 năm, Việt Nam đã có 32 di sản được vinh danh, bao gồm: 2 di sản thiên nhiên, 1 di sản hỗn hợp, 29 di sản văn hóa. Đây là nguồn tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của nhân loại.
Đón khách lên du thuyền ở Cát Bà. |
Thời gian gần đây, tính liên vùng trong khai thác giá trị di sản được các ngành chức năng, cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong kỳ họp vào tháng 9/2023, hồ sơ đề nghị ghi danh Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà vào danh mục Di sản thế giới sẽ chính thức được UNESCO xem xét.
Đáng chú ý là cụm danh thắng này thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Theo PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia thì xu hướng chung hiện nay là các hồ sơ liên kết sẽ mỗi lúc một nhiều hơn, cả với di sản vật thể và phi vật thể. Tổ chức UNESCO cũng khuyến khích các di sản đa quốc gia, di sản liên tỉnh.
Có thể thấy rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đã nhạy bén, nắm bắt kịp thời xu thế liên vùng trong khai thác di sản để triển khai trong thực tiễn.
Tiêu biểu có thể kể đến tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình thực hiện việc xây dựng và thực hiện ý tưởng đề cử danh hiệu Di sản thế giới cho quần thể Yên Tử tại Uông Bí và Đông Triều, bộ hồ sơ di sản đã được tỉnh Quảng Ninh bàn bạc, làm việc với các tỉnh lân cận để mở rộng sang khu vực Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương).
Theo đó, cụm di sản này đã bao quát hơn 70 di tích gắn với không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của thiền phái Trúc Lâm.
Việc tận dụng, phát huy lợi thế của di sản liên vùng cũng đã giúp nhiều địa phương thu về những kết quả đáng khích lệ như các di sản quan họ (do các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ), Đờn ca tài tử Nam Bộ (14 tỉnh, thành phố phía nam) hay dân ca ví giặm (2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) và đã được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Từ những thí dụ nêu trên cho thấy các di sản liên vùng, nghĩa là trải rộng phạm vi từ trên 2 tỉnh, thành phố trở lên sẽ huy động được nguồn lực, sự tham gia của các địa phương liên quan.
Nhờ vậy những thế mạnh của các địa phương có di sản được phát huy, đồng thời vừa bảo đảm các tiêu chí khoa học mà UNESCO đặt ra với một di sản thế giới.
Chính nhờ có sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương, vùng miền, việc khai thác giá trị của di sản liên vùng cũng sẽ được nhân lên thay vì chỉ bó hẹp trong một tỉnh, thành phố.
Cách làm này giúp kích thích các địa phương tăng cường liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau, cùng nhau phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh hiện có, công tác bảo tồn, cách thức vận hành, quản lý các di sản liên vùng cũng đang đặt ra nhiều thách thức, rất cần được các địa phương đặc biệt lưu tâm, giải quyết.
Bởi nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương mà mạnh ai nấy làm, phát triển quá nóng vội, hoặc “cha chung không ai khóc”,… thì chuỗi di sản liên vùng sẽ nhanh chóng bị đứt gãy giá trị, gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Nguồn:https://nhandan.vn/phat-huy-loi-the-cua-di-san-lien-vung-post746138.html
Ý kiến ()