Phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ sản xuất
LSO-Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX) của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Chi Lăng đã đi đầu trong việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả.
Chăm sóc gà thịt tại Hợp tác xã nuôi gà Vạn Linh, huyện Chi Lăng
Năm 2017, Hợp tác xã chăn nuôi gà Vạn Linh (gà Ri chân vàng) được thành lập với 8 thành viên. Bước đầu đi vào hoạt động, hợp tác xã gặp không ít khó khăn, trong đó có việc thiếu vốn. Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Vạn Linh cho biết: Để tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, năm 2017 và 2018, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã lựa chọn hỗ trợ thức ăn chăn nuôi gà.
Có thêm nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, hợp tác xã càng thêm quyết tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Anh Mai Văn Phản, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Từ chỗ nuôi nhỏ lẻ mỗi hộ vài chục con, đến nay tổng đàn của hợp tác xã đã lên tới hàng nghìn con mỗi năm. Năm 2018, hợp tác xã được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi trị giá 120 triệu đồng, các thành viên hợp tác xã đối ứng thêm 284 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi gà, qua đó năm 2018, hợp tác xã đã có khoảng 4.000 con gà, sản lượng đạt 10 tấn với giá trị ước đạt 1,2 tỷ đồng. Đến nay mô hình nuôi gà tiếp tục được nhân rộng trong các hộ thành viên hợp tác xã cũng như nhiều hộ dân khác ở Vạn Linh.
Cùng với xã Vạn Linh, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2018, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt chuẩn trong năm thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Qua đó trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện được 11 mô hình dự án hỗ trợ tại 6 xã gồm: Chi Lăng, Vạn Linh, Hòa Bình, Quang Lang, Bằng Mạc, Mai Sao. Các mô hình đều phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như có khả năng nhân rộng. Điển hình như mô hình nhân rộng sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Chi Lăng; sản xuất cao khô ở xã Vạn Linh; chăm sóc cây hồi ở xã Hòa Bình; rau an toàn ở xã Quang Lang; chăn nuôi thỏ ở xã Mai Sao….
Cùng với 11 mô hình được triển khai thực hiện ở các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt chuẩn, năm 2018, trên địa bàn huyện Chi Lăng còn triển khai dự án nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả và hỗ trợ đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất và dự án phát triển sản xuất tổng thể, trong đó tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị quả na, bưởi trên địa bàn huyện.
Với số lượng cũng như hiệu quả từ các mô hình HTSX mang lại, năm 2018, huyện Chi Lăng trở thành một trong những huyện xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất và hiệu quả nhất tỉnh (năm 2018, toàn tỉnh xây dựng được 69 mô hình tại 52 xã) với tổng nguồn vốn đầu tư 4.745 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách 2.100 triệu đồng, nhân dân đối ứng 2.645 triệu đồng.
Từ những kết quả đạt được năm 2018, bước sang năm 2019, huyện Chi Lăng đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các mô hình HTSX. Với nguồn vốn hỗ trợ 2.100 triệu đồng, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục xây dựng 11 mô hình sản xuất tại 6 xã gồm: Hòa Bình, Quang Lang, Bằng Mạc, Mai Sao, Gia Lộc, Y Tịch. Để thực hiện các mô hình này, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn lực của nhà nước, người dân các xã đã đối ứng hơn 2 tỷ đồng để thực hiện. Đến nay các xã đã hoàn thành xây dựng dự án và có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trong những tháng tới.
Để xây dựng các mô hình sản xuất vừa đảm bảo tiến độ, vừa đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã triển khai thực hiện. Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trước hết, huyện không cào bằng trong phân bổ nguồn lực, xã nào làm tốt hơn, tích cực sẽ được hỗ trợ cao hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã chủ động tổ chức họp, tuyên truyền nhân dân, lựa chọn đăng ký mô hình phù hợp, có thời gian cụ thể để triển khai thực hiện…
Với sự chỉ đạo sát sao của huyện, sự chủ động của xã và sự tích cực của người dân, các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Chi Lăng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, qua đó góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
TÂN AN
Ý kiến ()