Phát huy hiệu quả trạm cân và camera giám sát tại các mỏ khoáng sản
Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, các mỏ khoáng sản phải lắp đặt trạm cân và camera để giám sát hoạt động vận chuyển khoáng sản từ mỏ ra bên ngoài tiêu thụ. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa quy định trạm cân và camera giám sát được kết nối với cơ quan nhà nước để quản lý, giám sát, cho nên việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát chưa phát huy nhiều tác dụng trong quản lý.
Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định, các mỏ khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, lắp đặt camera giám sát tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan, làm cơ sở thống kê, tính toán, cập nhật số liệu gửi cơ quan nhà nước quản lý. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/1/2017.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ năm 2017 đến nay, nhiều mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa thực hiện các quy định nêu trên. Nguyên nhân chủ yếu là do các tổ chức, cá nhân không tự giác thực hiện quy định này; cơ quan quản lý, chính quyền địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Hầu hết các mỏ khai thác đá xây dựng của tỉnh Thái Nguyên đều nằm trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ, trên địa bàn có tổng số hơn 30 mỏ khai thác khoáng sản, trong đó chủ yếu là mỏ khai thác đá, nhưng đến đầu năm 2024 mới chỉ có ba mỏ lắp đặt trạm cân và camera giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, điều này là không công bằng giữa các mỏ, dẫn đến việc chấp hành pháp luật không nghiêm, làm cho việc quản lý của cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Nằm ở xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Bình khai thác mỏ đá Lân Đăm 2 đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng mua sắm, lắp đặt trạm cân và camera giám sát hoạt động vận chuyển đá ra bên ngoài mỏ đi tiêu thụ.
Ông Kiều Văn Bình, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Bình cho biết: Chúng tôi đầu tư số tiền lớn lắp đặt trạm cân và camera giám sát là thực hiện quy định của pháp luật, đồng thời giúp doanh nghiệp quản lý được tải trọng, khối lượng bán ra bên ngoài, phục vụ lưu trữ số liệu, báo cáo các cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, chỉ cách mỏ đá Lân Đăm 2 vài chục mét là mỏ đá Lân Đăm 3, hằng ngày vận chuyển đá đi tiêu thụ trên một tuyến đường, nhưng đến nay mỏ đá Lân Đăm 3 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chiến Thắng khai thác vẫn chưa lắp đặt trạm cân, gây khó khăn cho cơ quản quản lý.
Hầu hết các mỏ khai thác đá nói riêng và các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nói chung đều chưa lắp đặt trạm cân.
Sau khi rà soát, kiểm tra hầu hết các mỏ khoáng sản trên địa bàn chưa lắp đặt trạm cân, camera giám sát, ngày 24/4/2024, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ ban hành văn bản số 826/UBND-TNMT về việc yêu cầu thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Trong đó yêu cầu các tổ chức, đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định; thời gian xong trước ngày 31/5/2024, nếu quá thời hạn không chấp hành sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Nguyễn Thế Hoàn, việc lắp đặt trạm cân và camera chỉ để theo dõi, lưu trữ thông tin tại doanh nghiệp, phục vụ báo cáo, kiểm tra của cơ quan nhà nước mà chưa có quy định kết nối trạm cân và camera trực tiếp với cơ quan nhà nước để theo dõi.
Khi cơ quản quản lý, chính quyền địa phương không có người giám sát trực tiếp tại trạm cân, có thể xảy ra tình trạng vào nhiều thời điểm trạm cân, camera không hoạt động dẫn đến việc theo dõi, lưu trữ thông tin vận chuyển khoáng sản không đầy đủ, kém hiệu lực, hiệu quả của việc đầu tư, lắp đặt trạm cân, camera mà chính quyền địa phương không có cách nào kiểm tra, giám sát, xử lý được.
Ông Kiều Văn Bình, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Bình chia sẻ, để có một trạm cân, doanh nghiệp phải đầu tư từ 400-500 triệu đồng, đồng thời phải có mặt bằng đủ rộng để lắp đặt. Đây là khoản đầu tư không nhỏ, nhưng chế tài đối với các doanh nghiệp, đơn vị không lắp đặt trạm cân, camera không đủ sức răn đe, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không chịu đầu tư lắp đặt hai thiết bị này.
Để quy định của pháp luật đi vào đời sống, cần có chế tài xử lý thỏa đáng đối với các tổ chức, đơn vị không lắp đặt trạm cân và camera đối với hoạt động khoáng sản, không thực hiện lưu trữ đầy đủ thông tin. Đồng thời có quy định kết nối trạm cân, camera trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục để chống thất thoát khoáng sản.
Ý kiến ()