Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất ở Chi Lăng
(LSO) – Từ năm 2019, thay vì phân bổ “cào bằng” nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đến các xã, thị trấn, UBND huyện Chi Lăng yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng mô hình, đề xuất kinh phí và đăng ký triển khai. Mô hình nào có tính khả thi, phương án sử dụng kinh phí hợp lý, UBND huyện sẽ phê duyệt và đăng ký với tỉnh.
Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Quan điểm chỉ đạo của huyện là xác định dự án, mô hình phải theo hướng tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực của địa phương, các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu tập thể, ưu tiên và khuyến khích xây dựng các mô hình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng như: phát triển chế biến, bao bì, nhãn mác thương hiệu, sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt VietGAP,… gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); không nhất thiết hỗ trợ kinh phí cho toàn bộ dự án mà tập trung lựa chọn một khâu hoặc một quy trình trong mô hình, dự án để hỗ trợ.
Nguời dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc buởi da xanh
Theo tinh thần đó, từ năm 2019, UBND huyện Chi Lăng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, đăng ký thực hiện các mô hình. Ngay sau khi có quyết định giao vốn, UBND huyện phân bổ vốn cho các xã tổ chức thực hiện, đồng thời phân công các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phụ trách các xã thực hiện kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện; cơ quan chuyên môn hướng dẫn, thẩm định các nội dung dự án hỗ trợ sản xuất, chỉ đạo, đôn đốc các xã thực hiện đảm bảo chính xác, khách quan, đúng quy định.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2019 đến nay, huyện Chi Lăng triển khai thành công 13 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn với tổng kinh phí thực hiện xấp xỉ 7 tỷ đồng, trong đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ 4,2 tỷ đồng, Nhân dân đối ứng 2,8 tỷ đồng; 30 mô hình sản xuất theo chương trình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí thực hiện 6,1 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, Nhân dân đối ứng 2,6 tỷ đồng. Các mô hình được cấp kinh phí thực tế theo quy mô và tính khả thi, với mục đích phát huy tối đa nguồn lực, tạo hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình tham gia. Điển hình như mô hình hỗ trợ chăn nuôi giống gà ri chân vàng tại xã Gia Lộc với quy mô 2.800 con. Tuy nguồn vốn thực hiện không lớn với 150 triệu đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 80 triệu đồng, người dân đối ứng 70 triệu đồng nhưng mô hình đã phát huy hiệu quả, năng suất bình quân đạt 2,2kg/con khi xuất bán, sản lượng đạt 5.940 kg, giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, chất lượng gà thịt tốt nên thương lái đến tận hộ thu mua với giá ổn định. Ông Hoàng Minh Chánh, Chủ tịch UBND xã Gia Lộc cho biết: Việc triển khai nguồn vốn ngân sách trên địa bàn huyện theo cách mới cho thấy nhiều điểm ưu việt. Vừa phát huy được năng lực, trình độ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã vừa nâng cao được ý thức vươn lên của người dân khi đăng ký tham gia các mô hình sản xuất.
Để đảm bảo thực hiện thành công các mô hình, chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện Chi Lăng còn tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng từ loại cây, con giống, quy mô, hộ gia đình tham gia và triển khai đầy đủ các khâu đúng quy định. Đơn cử như việc thực hiện mô hình mở rộng diện tích sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng kinh phí thực hiện 1,3 tỷ đồng. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan liên quan cùng ới chính quyền các xã đăng ký tổ chức tập huấn quy trình sản xuất ; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ bao bì, tem nhãn đóng gói sản phẩm và khi thành công sẽ tổng kết, đánh giá mô hình.
Với sự phân bổ và cách sử dụng hợp lý, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất tại huyện Chi Lăng đã dần mang lại hiệu quả, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác có hiệu quả thế mạnh của từng xã, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm tại chỗ, nhiều hộ dân từng bước vươn lên làm giàu.
Ý kiến ()