Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất
LSO-Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Chi Lăng đã xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Chị Triệu Thị Thảo, thôn Phố Cũ, xã Vạn Linh đóng gói sản phẩm cao khô Vạn Linh |
Năm 2017, xã Vạn Linh được hỗ trợ 350 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX thuộc chương trình xây dựng NTM. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, xã đã rà soát, tìm hiểu thực tế tại các thôn, sau đó mới quyết định lựa chọn đầu tư vào mô hình cụ thể. Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ nhiều năm nay, sản xuất cao khô là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên, việc chế biến, tiêu thụ trước đây còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, diện tích, địa điểm sản xuất, chế biến nhỏ, hẹp, phần nào khó đảm bảo vệ sinh. Ngay khi có nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, ngày 21/9/2017, xã đã khởi công xây dựng sân bê tông với diện tích 1.500 m2. Đồng thời trên sân sẽ lắp đặt giàn phơi kiên cố, đẹp và đảm bảo vệ sinh.
Không chỉ đầu tư xây dựng địa điểm tập trung, giàn phơi tiên tiến, cũng từ nguồn hỗ trợ sản xuất này, xã còn hỗ trợ bao bì, quảng bá sản phẩm cho các hộ sản xuất cao khô. Chị Triệu Thị Thảo, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất cao khô xã Vạn Linh cho biết: Việc hỗ trợ bao bì, nhãn mác không chỉ nâng tầm sản phẩm mà còn góp phần quan trọng vào việc giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cao khô cho tổ sản xuất. Hiện nay, cao khô của tổ sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết đến đấy. Không chỉ trong tỉnh mà sản phẩm cao khô của tổ đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài. Được nhà nước hỗ trợ bao bì, nhãn mác, địa điểm sản xuất, phơi thuận lợi, nhiều hộ dân khác xin tham gia vào tổ, từ đó, tổ sản xuất ngày càng được mở rộng, phát huy hiệu quả.
Thực tế, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, một số xã trên địa bàn (tập trung ở các xã NTM và các xã phấn đấu về đích ở từng năm) đã phát huy hiệu quả nguồn vốn. Như mô hình hỗ trợ mô hình trồng bưởi Diễn, na ở xã Chi Lăng. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất được phân bổ hằng năm, xã đã họp và thống nhất với các thôn, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân từ con giống, vật tư, khoa học kỹ thuật. Qua đó, diện tích, năng suất, giá trị cây na tăng qua từng năm, hộ ít cũng thu từ 30 triệu đồng, hộ nhiều thu trên 300 triệu đồng/năm.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Chi Lăng, giai đoạn 2011 – 2016, với nguồn kinh phí phân bổ 2.740 triệu đồng tại các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM (gồm các xã: Vạn Linh, Chi Lăng, Quang Lang, Hòa Bình) đã triển khai thực hiện được 14 mô hình PTSX. Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Mặc dù còn gặp phải những khó khăn, lúng túng nhất định thời gian đầu, song nhìn chung các mô hình thực hiện đều đạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như các mô hình trồng na, bưởi Diễn ở xã Chi Lăng; trồng ớt ở xã Quang Lang; chăn nuôi lợn nái, nuôi gà, trồng quýt ở các xã: Vạn Linh, Hòa Bình…
Năm 2017, tổng nguồn vốn hỗ trợ PTSX cho 4 xã đã đạt chuẩn NTM và 1 xã phấn đấu về đích năm 2017 là 3.350 triệu đồng. Đến nay, nguồn vốn đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Điển hình như: mở rộng thêm diện tích trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Quang Lang; hỗ trợ bao bì, nhãn mác cho một số sản phẩm nông sản như na, cao khô; xây dựng và nhân rộng được các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, lợn nái sinh sản ở các xã Chi Lăng, Vạn Linh…
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()