Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách
LSO-Tính đến đầu tháng 11/2016, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Tràng Định đã có tổng dư nợ 79,2 tỷ đồng với các chương trình cho vay ưu đãi. Trong đó, nguồn vốn cho vay chủ yếu dành cho hộ nghèo với tổng dư nợ 34,1 tỷ đồng và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 25,6 tỷ đồng. Việc triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại Tràng Định.
Chị Đinh Thị Mùi, thôn Pá Lầu, xã Tri Phương, huyện Tràng Định chăm sóc đàn trâu của gia đình |
Theo đánh giá của cán bộ theo dõi địa bàn Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn vay được người dân sử dụng hiệu quả. Có một điểm thuận lợi là hạn mức vay năm nay tăng lên 50 triệu đồng nên đã tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là mức lãi suất ưu đãi thấp nên các hộ dễ dàng hơn trong việc chi trả khi đến kỳ hạn. Nhất là các hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn, ngân hàng cho vay với mức lãi suất 0,1%, đây chỉ là lãi suất nhắc nhở phần trách nhiệm đối với hộ vay.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã đầu tư hiệu quả, vươn lên khá giả trong vùng. Điển hình như hộ chị Đinh Thị Mùi, thôn Pá Lầu, xã Tri Phương. Chỉ với số vốn 20 triệu đồng ưu đãi được vay từ cuối năm 2011, gia đình chị đầu tư nuôi trâu thịt nhốt chuồng, đến nay, gia đình đã duy trì đàn trâu thịt 6 con, thu nhập từ bán trâu mỗi năm dư khoảng 50 triệu đồng trở lên. Chị Mùi tâm sự: Số vốn vay gia đình đã hoàn trả ngân hàng, hiện nay, gia đình muốn được vay vốn ưu đãi với hạn mức cao hơn để tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi, nâng tổng số đàn lên.
Gia đình chị Trương Thị Phượng, thôn Nà Lầu, xã Đề Thám được ngân hàng hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng theo chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vào đầu năm 2016. Gia đình chị Phượng đã đầu tư trồng bạch đàn và chăn nuôi lợn nái kết hợp lợn thịt. Đến nay gia đình đã xuất 2 lứa lợn thịt cho thu nhập gần 70 triệu đồng. Hiện tại, trong chuồng vẫn duy trì 2 lợn nái và 20 con lợn thịt. Chị Phượng cho biết: Mặc dù đã có đủ tiền để trả ngân hàng nhưng với mức lãi suất ưu đãi chỉ 0,75% nên gia đình tiếp tục quay vòng một phần vốn đầu tư nâng đàn lợn thịt để tăng thu nhập và một phần đầu tư chăm sóc rừng.
Để duy trì hiệu quả các chương trình vốn vay, trong quá trình triển khai, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện tập huấn nghiệp vụ cho các trưởng thôn, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn và Ban giảm nghèo xã. Mới đây, trong quý III/2016, cán bộ ngân hàng đã tổ chức tập huấn tại 23 xã với 987 người tham gia.
Ông Nông Văn Tâm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Qua tập huấn nghiệp vụ, các tổ chức nhận ủy thác đã tổ chức hoạt động hiệu quả rõ nét. Các tổ đã sinh hoạt định kỳ hằng tháng, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ. Quan trọng hơn là các tổ đã chủ động theo dõi, hướng dẫn và đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của các hội viên. Qua đó kịp thời can thiệp nếu có trường hợp dùng tiền không đúng mục đích và thiếu hiệu quả.
Với những giải pháp thiết thực, các chương trình tín dụng ưu đãi mà Ngân hàng CSXH huyện Tràng Định triển khai trong thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả. Hơn 90% số hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, góp phần tác động mạnh mẽ đến đời sống người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Tạo điều kiện để người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện từ 1 – 1,5%.
ANH DŨNG
Ý kiến ()