tle=”Phát huy hiệu quả mô hình trường dân tộc nội trú”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Giờ tin học của thầy trò Trường PTDTNT Cao Phong (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Được hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỷ 20, mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại trường chuyên biệt. Ngoài nhiệm vụ giáo dục của một trường phổ thông, trường PTDTNT còn thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ, lực lượng lao động có trình độ văn hóa, kỹ thuật, có sức khỏe và phẩm chất tốt để tham gia xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, hệ thống trường PTDTNT đã hình thành và phủ kín các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo cơ hội thuận lợi cho trẻ em dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng. Đến tỉnh Hòa Bình, giờ đây, hàng nghìn học sinh (HS) không còn cảnh trèo đèo, lội suối tới trường. Hệ thống trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đã trở thành mái nhà chung, là cánh cửa mở ra tương lai cho hàng nghìn học sinh người dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Em Phùng Triệu Thương, người dân tộc Dao, xã Bắc Phong, học sinh lớp 6A Trường PTDTNT Cao Phong, huyện Cao Phong vẫn nhớ như in ngày rời xa gia đình để đến học ở trường PTDTNT. Cảm giác luôn thấy buồn, nhớ nhà, nhớ mẹ và em. Tuy nhiên, được các thầy giáo, cô giáo chăm sóc, chỉ bảo tận tình từ cách ăn, mặc, vệ sinh cá nhân cũng như học tập nên nỗi buồn cũng vơi đi để chuyên tâm vào học tập. Ở chung một mái trường, xa gia đình đó là thực tế chung của 200 học sinh Trường PTDTNT Cao Phong. Với các em, thầy giáo, cô giáo tại đây không chỉ truyền thụ cho kiến thức mà còn là chỗ dựa tinh thần, hướng dẫn các em những kỹ năng ứng xử, ăn, uống, ngủ, nghỉ để các em rèn luyện nên người. Theo thầy giáo Nguyễn Chí Chung, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Cao Phong, trong công tác giáo dục dân tộc và đời sống nội trú, nhà trường luôn gắn kết chặt chẽ giữa dạy chữ với rèn người. Nhà trường tổ chức thực hiện nhiều chuyên đề như giáo dục và chăm sóc sức khỏe vị thành niên; công tác vệ sinh cá nhân và bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nội trú ở các trường PTDTNT.
Đến nay, tất cả các dân tộc thiểu số của nước ta đều có con em theo học tại trường PTDTNT. Các trường đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh các dân tộc thiểu số. Những giải pháp tích cực của ngành GD và ĐT cùng các địa phương đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường PTDTNT. Học sinh các trường PTDTNT có phẩm chất đạo đức tốt, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời tiếp thu các nét đẹp văn hóa ứng xử văn minh, tiên tiến thông qua các hoạt động của nhà trường. Theo đánh giá của Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo của các trường PTDTNT đã được nâng lên. Công tác liên thông đào tạo trong hệ thống đã có những tiến bộ rõ rệt. Số HS các trường PTDTNT thi đỗ vào đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Đáng chú ý, các trường PTDTNT đã quan tâm đến công tác giáo dục đặc thù, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa dân tộc, tổ chức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho HS… Các trường đã thực hiện nhiều biện pháp để duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần của HS trong năm học. Bên cạnh đó, nhiệm vụ tổ chức nội trú cho học sinh cũng được quan tâm với nhiều giải pháp như: xây dựng tổ quản sinh để quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ lên lớp; nhất là quản lý hoạt động tự học, lao động tăng gia cải thiện cuộc sống; giáo dục học sinh đoàn kết tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, sinh hoạt tại khu nội trú. Việc tạo môi trường học tập, cuộc sống nội trú thân thiện, ấm cúng như chính ngôi nhà của HS đã động viên, khuyến khích các em yên tâm học tập. Phần lớn HS đều cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để đạt kết quả cao nhất. Do đó, tỷ lệ HS PTDTNT có hạnh kiểm tốt, khá của năm học 2011-2012 đạt hơn 95%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống các trường PTDTNT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế – xã hội các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Một số HS sau khi tốt nghiệp trường PTDTNT chưa được đào tạo nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết để tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Mặt khác, quy mô nhiều trường PTDTNT phát triển vượt quá quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Trưởng phòng Dân tộc (Sở GD và ĐT Trà Vinh) Trần Minh Thái cho biết, khó khăn nhất trong phát triển trường PTDTNT hiện nay chính là hệ thống cơ sở vật chất thiếu đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ngay tại Trà Vinh, ba năm liền tỉnh phải hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh, mỗi trường THCS chỉ được tuyển một lớp đầu cấp 35 học sinh; nhất là ký túc xá không đủ chỗ nên các em nhà ở gần trường phải ở ngoại trú làm khó khăn cho việc chăm sóc và giáo dục toàn diện. Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Thành (Phòng GD Trung học, Sở GD và ĐT Hòa Bình) lại băn khoăn về “đầu ra” của học sinh. Năm học vừa qua, cả tỉnh có 422 em tốt nghiệp các trường PTDTNT tuyến huyện (bậc THCS), trong khi đó chỉ có khoảng 80 học sinh vào học tại trường PTDTNT tuyến tỉnh, trung ương. Chính vì vậy sẽ gây ra khó khăn cho các em ở các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là các gia đình nghèo khi cho con theo học.
Để khắc phục những khó khăn trong phát triển hệ thống trường PTDTNT, cần quan tâm tới tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số so với dân số của địa phương và tỷ lệ học sinh nữ; quan tâm tuyển sinh con em những dân tộc thiểu số có dân số ít, chưa có học sinh vào học ở trường PTDTNT, chưa có học sinh vào đại học, cao đẳng. Có dự báo trước về nhu cầu cán bộ trong các lĩnh vực để có kế hoạch đào tạo theo ngành, lĩnh vực tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ. Mặt khác, theo các chuyên gia giáo dục, ngành GD và ĐT cần đẩy mạnh công tác đổi mới quản lý trong các trường PTDTNT, nhất là phát triển mạng lưới, quy mô các trường gắn với đặc thù và quy hoạch đào tạo của địa phương. Mở rộng đào tạo liên cấp đối với các trường PTDTNT cấp huyện, đồng thời tích cực khắc phục tình trạng học sinh không ở nội trú trong trường. Riêng với các trường, cần rà soát, phân loại học sinh theo năng lực học tập, tổ chức ôn tập củng cố kiến thức theo từng nhóm đối tượng, cử giáo viên kèm cặp bồi dưỡng học sinh yếu kém nhằm bảo đảm chất lượng dạy học của trường PTDTNT phải tương đương hoặc cao hơn chất lượng các trường tại địa phương. Tạo ra môi trường học tập thân thiện thu hút ngày càng nhiều học sinh tới trường học. Công tác quản lý ở trường PTDTNT phải bảo đảm tính “Phổ thông – Dân tộc – Nội trú”. Mặt khác, để sử dụng hết số học sinh trường PTDTNT tốt nghiệp ra trường cần xây dựng cơ chế đào tạo liên thông từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề trong hệ thống trường PTDTNT.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, thời gian tới, hệ thống trường PTDTNT sẽ phát triển quy mô, mạng lưới theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và bảo đảm các điều kiện thực hiện giáo dục đặc thù. Ngành giáo dục và các địa phương cần sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác để đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị dạy học cho các trường PTDTNT. Đặc biệt, ngành GD và ĐT tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 – 2015” nhằm tạo chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, và chất lượng giáo dục, góp phần tích cực trong vai trò tạo nguồn đào tạo cán bộ DTTS.
– Năm học 2011-2012, hệ thống trường PTDTNT có ở 50 tỉnh, thành phố gồm 300 trường, có quy mô 80.832 HS, chiếm khoảng 7,6% số HS DTTS cấp THCS và THPT của cả nước.
– Năm học 2011-2012 có 26 HS trường PTDTNT đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia gồm hai giải nhì, bốn giải ba và 20 giải khuyến khích; một số trường có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, dự bị đại học cao như: Trường PTDTNT Nghệ An 96%, Thanh Hóa 87%, Đác Lắc 84%…
Ý kiến ()