Phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng
Hoạt động của TTHTCĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời. Ở các TTHTCĐ, người dân được học tập xóa mù chữ, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống nhằm góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống. TTHTCĐ cũng là nơi thực hiện việc phổ biến, tư vấn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân.
Theo Vụ trưởng Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Công Hinh, TTHTCĐ được hình thành thí điểm ở nước ta từ năm 1997 và có xu hướng phát triển mạnh trong khoảng 5 năm gần đây.
Năm 2008, cả nước có 9.010 TTHTCĐ thì đến giữa năm 2013 đã có 10.877, phủ kín 97,5% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Để TTHTCĐ hoạt động hiệu quả, cả nước có hơn 4.616 giáo viên được biệt phái đến làm việc tại TTHTCĐ và 56.202 cộng tác viên, báo cáo viên tham gia tổ chức hoạt động thường xuyên. Số lượng người tham gia học tập tại TTHTCĐ năm 2008 có 17.661.650 lượt người, đến năm 2013 có 19.417.377 lượt người…
Hoạt động của các TTHTCĐ góp phần quan trọng củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống…
Nhiều TTHTCĐ hoạt động mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như TTHTCĐ của xã vùng cao biên giới Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thành lập năm 2008 đã mở nhiều lớp học xóa mù, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, nâng cao đời sống người dân.
Đến nay, cả xã xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi cho các hộ gia đình với ba mô hình chăn nuôi hơn 500 con lợn, 15 mô hình chăn nuôi hươu lấy nhung với quy mô hơn 10 con, 20 mô hình trang trại tổng hợp…
TTHTCĐ xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đác Lắc) triển khai nhân rộng mô hình mỗi học viên học xong là một cộng tác viên vận động ít nhất năm học viên đi học và từ đó nhân ra tuyên truyền, vận động đầy đủ ở các thôn, buôn đi học nâng cao kiến thức. Ngoài ra, tại huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), do đặc điểm của vùng sông ngòi, kênh rạch, điều kiện đi lại còn khó khăn đã tổ chức các điểm TTHTCĐ tại các ấp, khóm, chùa Khmer hình thành các nhóm phát triển cộng đồng cùng nhau xóa mù chữ, phát triển kinh tế…
Mặc dù đạt được một số kết quả, nhất là mạng lưới TTHTCĐ phát triển nhanh về số lượng nhưng tổ chức hoạt động còn bất cập. Một số TTHTCĐ hoạt động mang tính hình thức hoặc không có điều kiện tổ chức hoạt động. Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Văn Đô (TTHTCĐ xã Dray Sáp, huyện Krông Ana – Đác Lắc) cho rằng, một trong những nguyên nhân TTHTCĐ hoạt động chưa được như mục tiêu đề ra do các nghề đào tạo chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của lao động.
Nhất là các mô hình sản xuất chưa nhiều, tính bền vững chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Ông Trần Đức Cường (Phòng GD và ĐT Đông Hưng, Thái Bình) cho rằng, TTHTCĐ có đặc điểm đa dạng về đối tượng học tập, hình thái tâm lý, đặc điểm nhận thức, nhu cầu và nội dung học tập… Cho nên cần có sự đáp ứng phải đa dạng về phương thức tuyên truyền, vận động, huy động người học, nội dung, hình thức tổ chức học tập, phương pháp giảng dạy cũng như đa dạng về giáo viên…
Trong khi, thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý của các TTHTCĐ là những người làm việc kiêm nhiệm, đội ngũ giáo viên, giảng viên chủ yếu làm việc trên cơ sở tự nguyện, không có quy chế ràng buộc, nhiều người chưa có nghiệp vụ sư phạm; nội dung chương trình, tài liệu học tập của trung tâm còn hạn chế.
Theo một số chuyên gia giáo dục, ngoài những nguyên nhân trên thì thực tế hoạt động, đội ngũ cán bộ quản lý TTHTCĐ còn lúng túng, giáo viên và báo cáo viên còn thiếu và một số chưa đáp ứng được yêu cầu học tập của người dân. Đáng chú ý, cán bộ quản lý TTHTCĐ luôn thay đổi theo nhiệm kỳ bầu cử, trong khi các báo cáo viên là trưởng các ban, ngành địa phương chiếm tỷ lệ thấp (vùng đồng bằng khoảng 50%, vùng sâu vùng xa chiếm 25%). Trong khi đó, người dân chưa thường xuyên tiếp cận các chương trình giáo dục xóa mù, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước còn diễn ra khá phổ biến trong cán bộ quản lý và nhân dân (có tiền mới đi học). Do đó việc vận động người dân trong độ tuổi lao động đi học gặp nhiều khó khăn.
Để TTHTCĐ hoạt động hiệu quả, theo ông Trần Đức Cường, cần quy định Bí thư Đảng bộ hoặc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là Giám đốc TTHTCĐ sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, các lực lượng trong xã hội tham gia. Việc bố trí giáo viên thuộc biên chế của các trường tiểu học, THCS tại địa phương sang làm việc tại TTHTCĐ xã, thị trấn trong thực tiễn là rất khó thực hiện, Bộ GD và ĐT cần tham mưu cho Chính phủ cân đối trong biên chế công chức cấp xã để có ít nhất một biên chế chuyên trách cho TTHTCĐ. Đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về học tập suốt đời.
Theo Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh: Trong phát triển TTHTCĐ thời gian tới cần đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội về vai trò, mục đích, ý nghĩa và ích lợi của TTHTCĐ. Ngoài ra, cần xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các TTHTCĐ phát triển bền vững. Tăng cường cung ứng tài liệu học tập cho các TTHTCĐ, nhất là biên soạn tài liệu học tập có nội dung sử dụng chung cho cả nước đăng tải trên trang thông tin điện tử. Các địa phương cần có sự phối, kết hợp biên soạn tài liệu phục vụ địa phương theo chủ đề của chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu người học cập nhật kiến thức kỹ năng chuyển giao công nghệ. Đáng chú ý, các địa phương cũng như TTHTCĐ cần chủ động nắm bắt nhu cầu học tập thông qua sinh hoạt của các hội, đoàn thể, qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, câu lạc bộ, cũng như thông qua nhu cầu của thực tế sản xuất, kinh doanh… nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân đều được đi học.
Ý kiến ()