Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển
Hình thức liên kết tổ, đội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển, cùng bảo vệ, hỗ trợ hoạt động lẫn nhau. Tuy nhiên, để hoạt động của các tổ, đội thực sự phát huy hiệu quả vẫn còn nhiều giải pháp cần bàn tới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết về những kết quả hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Trung:Mô hình tổ, đội khai thác hải sản trên biển là hình thức tổ chức sản xuất được phát huy, tiếp nối từ truyền thống đoàn kết trong lao động sản xuất và bảo vệ đất nước của cha ông ta. Theo thống kê từ các địa phương, đến tháng 11/2015, cả nước có hơn 3.700 tổ, đội với khoảng 22.000 tàu cá, 140.000 lao động tham gia, bên cạnh đó còn có 50 nghiệp đoàn nghề cá đã được thành lập. Các địa phương có tổ, đội phát triển mạnh ở miền Bắc gồm Quảng Bình, Quảng Ninh, miền Trung gồm Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, miền Nam gồm Kiên Giang, Tiền Giang. Đây là những tỉnh có nhiều tổ, đội điển hình.
Chúng ta có thể thấy rõ việc tổ chức hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân hoạt động trên biển, trước tiên liên kết theo hình thức này giúp bảo vệ hoạt động sản xuất của ngư dân, đồng thời hỗ trợ các ngư dân trong công tác thông tin thời tiết, ngư trường, các tàu cá hỗ trợ nhau trong lúc gặp nạn…Thông qua đó, giúp cho các tàu cá hoạt động an toàn, góp phần nâng cao thu nhập của ngư dân cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.
PV: Hiện nay, hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Trung:Cũng như một số lĩnh vực khác của ngành thủy sản, hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển còn gặp nhiều khó khăn. Đó là đề nghị hỗ trợ mỗi tàu có 1 máy thông tin tầm xa nhưng Nhà nước chưa thể đáp ứng; hay vấn đề đề nghị vay vốn để mua trang bị ngư lưới cụ để đánh bắt tập trung. Hình thức liên kết tổ, đội ban đầu là cùng dòng họ, làng xóm…nhưng bây giờ có thể là liên tỉnh, cùng nghề hoặc cùng ngư trường. Vì vậy quy mô, hình thức liên kết ngày càng mở rộng, phát triển. Với những khó khăn trên cần thời gian để nắm bắt và điều chỉnh để kịp thời quản lý, hỗ trợ ngư dân.
PV: Nhằm tạo điều kiện để ngư dân, các tổ, đội yên tâm sản xuất và hoạt động hiệu quả trên biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ cho các tổ, đội?
Ông Nguyễn Văn Trung:Để thực hiện vấn đề này, Nhà nước đã có các Nghị định, Quyết định thể hiện chính sách hỗ trợ tổ, đội sản xuất. Đó là Quyết định 375 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức sản xuất trên biển ở các vùng ven bờ, xa bờ. Với vùng ven bờ chủ yếu quản lý theo hình thức cộng đồng, ở vùng này, các hình thức tổ, đội xuất hiện không nhiều. Tuy nhiên, với khai thác xa bờ, nhất là vùng biển xa, chúng ta đã định hướng, khuyến khích sản xuất theo mô hình tổ, đội. Với hình thức tổ, đội, nòng cốt là tàu dịch vụ hậu cần, xung quanh là các tàu khai thác nhằm hỗ trợ cùng nhau hoạt động trên biển. Giai đoạn vừa qua, hoạt động của các tổ đội đã phát huy hiệu quả tích cực trên vùng biển này.
Để khuyến khích hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển, Nhà nước còn có những chính sách, những quy định khuyến khích thành lập các hình thức tổ, đội. Cụ thể, khi bắt đầu thành lập, Nhà nước có những hỗ trợ, hướng dẫn về mặt pháp lý, chuẩn bị những điều kiện về quy chế mẫu tạo điều kiện cho các thành viên tham gia. Ở một số địa phương còn ban hành các chính sách hỗ trợ cho mỗi tổ, đội một máy thông tin để liên lạc giữa tàu và bờ, hay hỗ trợ về phao cứu sinh. Đặc biệt, trong Nghị định 67, các thành viên tham gia hình thức sản xuất tổ, đội là những đối tượng được hưởng chính sách của Nghị định như về bảo hiểm, vay vốn đóng tàu…
PV: Xin ông cho biết định hướng phát triển các tổ, đội sản xuất trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Trung:Trong thời gian tới, các mô hình sản xuất theo hình thức tổ, đội cần được tiếp tục tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động, đồng thời cần tiếp tục được nhân rộng. Bên cạnh đó, các mô hình này cần tổ chức hoạt động bài bản và hiệu quả để giúp ngư dân khai thác trên biển an toàn. Trong đó, cách thức tổ chức có thể theo mô hình tàu mẹ tàu con, hoặc là các tàu phân công nhiệm vụ, thông tin hỗ trợ lẫn nhau. Tiến tới, hình thức cao hơn là các thành viên cùng sản xuất, cùng chia thành hoạt động của các chuỗi như: tàu đánh bắt, tàu thu mua, tàu vận chuyển, tàu cung ứng dịch vụ hậu cần,…để tăng hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, để hỗ trợ cho hoạt động các tổ, đội sản xuất hiệu quả, cần huy động lực lượng khác như các nghiệp đoàn, biên phòng, cảnh sát biển, hội nghề cá…để cùng hỗ trợ cho hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển. Thời gian tới Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ ban hành các chính sách để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho mô hình này phát triển, để mô hình đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn cho người và tàu hoạt động trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của nước ta.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()