Phát huy hiệu quả của việc giám sát, đánh giá trong nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng được hệ thống giám sát đánh giá cho những lĩnh vực, kế hoạch lớn như: Thực hiện kế hoạch phát triển ngành, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư công, kết quả hoạt động cải cách hành chính, phòng chống thiên tai…
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp sau đánh giá cho thấy đã nâng được giá trị nhiều loại nông sản truyền thống |
Ngày 6/12 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo quốc tế về giám sát và đánh giá. Tham dự hội thảo, có khoảng 200 đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, cơ quan Trung ương và địa phương, mạng lưới giám sát và đánh giá Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động giám sát và đánh giá trong cơ quan Chính phủ, Bộ đã xây dựng được hệ thống giám sát đánh giá cho những lĩnh vực, chương trình, kế hoạch lớn, quan trọng như: Thực hiện kế hoạch phát triển ngành, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư công, kết quả hoạt động cải cách hành chính, phòng chống thiên tai…
Gần đây là hệ thống giám sát đánh giá thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp với sự hỗ trợ của Dự án “Nâng cao năng lực giám sát và đánh giá thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Các hệ thống và phần mềm cơ sở dữ liệu về giám sát, đánh giá này đã và đang được vận hành khá hiệu quả, kết nối từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan quản lý của Bộ NN&PTNT đến các tổ chức, đơn vị thực hiện ở các cấp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết để thực hiện được việc giám sát đánh giá cần 4 điều kiện. Đó là, khuôn khổ pháp lý đầy đủ; có hạ tầng hoàn chỉnh; trong đó đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin; nguồn lực, kinh phí và quan trọng nhất là hệ thống dữ liệu, thông tin. Nếu không có cơ sở dữ liệu thông tin thì dù có đủ 3 điều kiện kia cũng không thể hoàn thành việc giám sát và đánh giá.
Giám sát, đánh giá đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của một cơ quan tổ chức, một quốc gia. Đây là quy trình có hệ thống thu thập và phân tích thông tin, cung cấp phản hồi thường xuyên giúp theo dõi, đánh giá hiệu quả, mức độ phù hợp, phạm vi và tính bền vững của một tổ chức, chương trình, kế hoạch hay đề án…
Ở Việt Nam, hệ thống giám sát đánh giá đã được hình thành và từng bước được nhân rộng. Hoạt động giám sát và đánh giá trong các cơ quan Chính phủ đang ngày càng được coi trọng và là công cụ hữu hiệu phục vụ cho quản lý, chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra. Đến nay, hầu hết các chương trình, kế hoạch, đề án do Chính phủ ban hành đều phải có kế hoạch hành động và các chỉ số giám sát, đánh giá kèm theo.
Chia sẻ về Khung nguyên tắc và chuẩn mực về đánh giá cho khu vực ASEAN (ARFEPS), ông Lim Kheng Joo, Đồng chủ tịch sáng kiến Khung tiêu chuẩn về giám sát và đánh giá khu vực ASEAN cho biết, các nền kinh tế đang phát triển hiện đã công nhận đánh giá là một công cụ quản lý quan trọng. Hầu hết các nước ASEAN không có chính sách hoặc tiêu chuẩn đánh giá quốc gia chính thức.
Nếu có thì chỉ tập trung vào các chương trình và dự án phát triển của khu vực công. Việc đánh giá sẽ hỗ trợ chúng ta ra quyết định trong các chương trình, dự án… Do đó cần thúc đẩy và thể chế hóa văn hóa đánh giá bền vững giá cức nước và tổ chức ASEAN. Cùng với đó, phải làm việc theo hướng chuyên nghiệp hóa đánh giá ở tất cả các nước và tổ chức ASEAN.
Chuyên gia tư vấn giám sát và đánh giá của Ngân hàng Thế giới, bà Ingrid Mollard đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc phải xây dựng tài liệu (sổ tay) về giám sát đánh giá. Theo bà Ingrid Mollard, tài liệu hướng dẫn này sẽ phục vụ cho các đơn vị quản lý dự án/chương trình, chuyên gia, cán bộ giám sát đánh giá ở cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương. Do đó, tài liệu cần phù hợp với nhu cầu và năng lực, thân thiện với người sử dụng là rất quan trọng.
Bên cạnh đó là việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực thực thi; đảm bảo dữ liệu được thu thập hữu ích, kiểm toán dữ liệu thường xuyên…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()