Phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục
(LSO) – Thời gian qua, công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tạo được dấu ấn tốt đẹp, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh, nhất là tại vùng khó khăn.
Dấu ấn vùng khó khăn
Để thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường mầm non chuyên nghiệp, sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn” ngoài việc động viên sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Trường Mầm non xã Vân Thủy (Chi Lăng) đã thực hiện tốt công tác XHH giáo dục. Nhờ đó, những năm qua, nhà Trường đã được đầu tư trên 150 m2 mái bạt di động trị giá hơn 60 triệu đồng, máy lọc nước công nghệ Nano trị giá trên 80 triệu đồng cùng nhiều thiết bị phục vụ cho các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp nâng cao mức sinh hoạt bán trú và chất lượng học tập cho học sinh. Cô giáo Vi Thị Hợp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nếu không có nguồn XHH, nhà trường sẽ rất khó khăn trong duy trì nền nếp, chứ chưa nói tới việc thực hiện thành công các chuyên đề giáo dục, các phong trào mà ngành phát động”.
Đại diện Trường Mầm non xã Vân Thủy (Chi Lăng) tiếp nhận tài trợ máy lọc nước công nghệ Nano trị giá 80 triệu đồng
Ở mức độ cao hơn, công tác XHH giáo dục đã góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục vùng cao, vùng khó khăn ở huyện Bắc Sơn. Năm học 2019 – 2020, toàn huyện Bắc Sơn có 446 phòng học kiên cố, trong đó có trên 5% được xây dựng bằng vốn XHH. Đơn cử, từ một điểm trường đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất, với sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài tỉnh, chỉ sau 6 tháng xây dựng, điểm trường Dộc Máy (Trường Tiểu học Nhất Hòa) đã có cơ ngơi khang trang với 4 lớp học, 1 phòng chờ cho giáo viên với tổng diện tích gần 346 m2, 1 bể nước sạch 10 m3, khu nhà vệ sinh 55 m2, sân lát gạch trên 500 m2… chấm dứt tình trạng mấy chục năm lớp học mái tranh, sân đất.
Không chỉ ở Bắc Sơn mà tại tất cả các huyện, thành phố, nhất là vùng cao, vùng xa, vùng biên giới và vùng an toàn khu, dấu ấn công tác XHH đã in đậm tại hàng trăm phòng học, sân chơi bãi tập, các công trình phụ trợ và nâng đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn thêm cơ hội tới trường.
Những tác động tích cực
Thống kê hằng năm của ngành GD&ĐT cho thấy, công tác XHH giáo dục ở Lạng Sơn đã và đang đi vào chiều sâu với sự vào cuộc của tổ chức, người dân, chủ yếu là phong trào hiến đất để mở rộng trường, phân trường, làm đường đi, xây dựng sân thể dục thể thao; phong trào góp công tu sửa phòng học và các công trình phụ trợ, phong trào “Hũ gạo tình thương” giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh đã huy động 15,7 tỷ đồng, 4.700 m2 đất, gần 100 ngàn ngày công cho công tác tu sửa, nâng cấp, mở rộng cơ sở giáo dục; huy động 38 tấn gạo, trên 2 tỷ đồng tiền mặt trong phong trào hũ gạo tình thương. Học kỳ 1 năm học 2019 – 2020, toàn ngành đã huy động trên 10,2 tỷ đồng, trên 81.000 ngày công, gần 2,5 tấn gạo, trên 300.000 vật dụng học tập; vận động Nhân dân hiến 1.500 m2 đất cho các nhà trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức cũng luôn là người bạn đồng hành cùng giáo dục. Điển hình như năm 2019, Viettel Lạng Sơn tặng quà chương trình “Vì em hiếu học” cho 1.330 học sinh tiểu học và THCS của 133 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, xã an toàn khu của tỉnh; Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 2 hỗ trợ xây 3 phòng học mầm non tại huyện Hữu Lũng với tổng số tiền 140 triệu đồng…
Với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, từ những việc làm và đóng góp cụ thể, công tác XHH giáo dục đã trở thành “bà đỡ” cho giáo dục vùng cao, trực tiếp giúp đỡ hàng ngàn lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tới trường, giảm thiểu tình trạng bỏ học vì nguyên nhân kinh tế.
Xuất phát từ lợi ích chung, nhiều đơn vị quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục đã biết cách vận động, huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục. Các huyện, thành phố, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng nguồn xã hội hóa đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí, tạo được sự tin tưởng của các tổ chức, cá nhân để từ đó thực hiện tích cực việc XHH giáo dục.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()