Phát huy hiệu quả chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- Sau 20 năm triển khai chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) nông thôn do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã giúp hàng nghìn gia đình trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình cho vay vốn NS&VSMT nông thôn được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2004 theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMT nông thôn. Theo đó, các hộ vay vốn để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn như nhà vệ sinh, bể biogas, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, xử lý nước thải, rác thải...
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình NS&VSMT nông thôn, những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền đến người dân về mức vay, đối tượng thụ hưởng, thời hạn, mục đích sử dụng vốn cho các hộ vay và triển khai giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Hữu Lũng là một trong những huyện triển khai hiệu quả chương trình cho vay NS&VSMT, đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt trên 76 tỷ đồng với hơn 4.000 hộ vay. Ông Trương Việt Quang, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Xác định nguồn vốn chương trình có vai trò quan trọng góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cải thiện môi trường, đời sống sinh hoạt của bà con, phòng giao dịch đặc biệt chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình vốn, mức cho vay mới, nâng cao nhận thức của mọi người về vệ sinh môi trường. Đồng thời, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức hội, tổ tiết kiệm vay vốn để quản lý nguồn vốn, đảm bảo cho vay kịp thời, đúng đối tượng, có hiệu quả. Các hộ vay đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích để đầu tư xây dựng các công trình như: bể chứa nước, bể lọc, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại…
Cùng với Hữu Lũng, hiện nay, chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn được Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai tại tất cả các huyện và phủ khắp các xã trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt trên 406 tỷ đồng, tăng trên 3,3 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2023. Tổng số hộ còn dư nợ thuộc chương trình này là 21.757 hộ; bình quân số tiền vay là 18,7 triệu đồng/hộ. Trong đó, một số huyện có dư nợ cao như: Bắc Sơn; Hữu Lũng; Tràng Định…
Từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều hộ dân đã sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo, góp phần hiệu quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Anh Lương Văn Khánh, thôn Bản Cưởm, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây, gia đình tôi phải dùng nước giếng không đảm bảo vệ sinh, thậm chí đến mùa khô phải chở từng can nước để phục vụ sinh hoạt. Năm 2023, được tổ tiết kiệm và vay vốn thôn tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ chương trình NS&VSMT, gia đình tôi đã xây được bể chứa nước, lắp đường ống dẫn nước, đồng thời với số tiền tiết kiệm, gia đình đã xây dựng công trình vệ sinh khép kín. Từ đó, gia đình tôi không phải lo vấn đề nước sạch, mọi vấn đề sinh hoạt cũng thuận tiện hơn trước.
Tương tự như gia đình anh Khánh, những năm qua, từ nguồn vốn vay chương trình này, người dân trong toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được gần 150.000 công trình nước sạch và vệ sinh. Qua kiểm tra tình hình thực tế, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả.
Hiệu quả từ chương trình NS&VSMT nông thôn đã góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định cho biết: Những năm qua, nhờ có chương trình tín dụng NS&VSMT nông thôn, người dân trên địa bàn xã đã được vay vốn xây mới, sửa chữa hàng trăm công trình nước sạch, vệ sinh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe người dân. Đến nay, dư nợ chương trình cho vay đạt trên 2,8 tỷ đồng với 173 hộ vay. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 100%, đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường trong sinh hoạt, góp phần giúp xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, chương trình cho vay NS&VSMT đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay, mức vay tối đa 10 triệu đồng/công trình của chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn vẫn còn thấp so với mức đầu tư thực tế của người dân. Do đó, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát nhu cầu của người dân để tiếp tục kiến nghị Trung ương tăng mức vay của chương trình đồng thời bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình tín dụng NS&VSMT nông thôn.
Theo Điều 3 tại Quyết định 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đối tượng được hưởng tín dụng như sau: hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có đơn xin vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; có cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và được chính quyền cấp xã xác nhận.
|
Ý kiến ()