Phát huy giá trị văn hóa gia đình
Những ngày này, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam, (28/6/2001 – 28/6/2021), truyền thông, báo chí tổ chức các chương trình, chuyên đề tuyên truyền nhằm lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình; kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và tiếp thu các giá trị văn minh, tiến bộ vì mục tiêu phát triển gia đình Việt Nam trong tình hình mới…
Cách đây 20 năm, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg (ngày 4/5/2001) lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa gia đình là một giá trị cốt lõi của giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống cũng như hiện đại. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, là cơ sở nền tảng để phát triển của xã hội.
Trong gia đình, con cái được cha mẹ dạy dỗ qua việc thực hành các nghi lễ gia đình (ngày giỗ, Tết và cưới xin, ma chay) và qua tấm gương hành xử của cha mẹ đối với người thân, họ hàng, cộng đồng làng xóm.
Việc thực hành văn hóa này ở mỗi gia đình tạo ra những con người có nhân cách, có tình cảm, sự nhường nhịn, lễ phép, kính trên nhường dưới, có lòng bao dung và tình yêu thương con người. Nền nếp gia phong của mỗi gia đình, dòng tộc luôn hướng tới phẩm hạnh hiếu thảo, lòng biết ơn, coi trọng gia đình, thủy chung, tình nghĩa, thuận hòa…
Những giá trị ấy được kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ trở thành những giá trị chuẩn mực truyền thống, được thể hiện trong nhận thức, suy nghĩ, việc làm của mỗi người và là bản sắc văn hóa sâu đậm của dân tộc.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển, giao lưu và hội nhập, những mặt trái, ảnh hưởng tiêu cực đã làm cho một số giá trị văn hóa gia đình, nền nếp, lối sống truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam bị mai một. Nhịp sống gấp gáp, áp lực mưu sinh trong xã hội hiện đại thời hội nhập khiến cơ cấu gia đình truyền thống bị phá vỡ, làm gia tăng khoảng cách thế hệ giữa các thành viên gia đình; thời gian cha mẹ dành cho con cái, người thân ít đi.
Bên cạnh đó là sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội, kéo theo sự lan tràn của các văn hóa phẩm, các thông tin thiếu chọn lọc cổ vũ cho lối sống thực dụng, lai căng, đề cao giá trị đồng tiền. Điều đó làm rạn nứt, xuống cấp về đạo đức gia đình.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch tổng kết việc thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố từ năm 2019, để có thể nhân rộng ra cả nước.
Bộ tiêu chí này nhằm vận động các hộ và thành viên trong gia đình hiểu và thực hiện ứng xử văn hóa gia đình. Bộ tiêu chí dễ hiểu, dễ nhớ và thực hiện, gồm bốn tiêu chí ứng xử chung (tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ) và bốn tiêu chí ứng xử cụ thể (ứng xử vợ chồng; của cha mẹ với con, ông bà với cháu; của con với cha mẹ, cháu với ông bà; của anh, chị, em).
Việc đưa nội dung bộ tiêu chí lan tỏa trong đời sống cộng đồng là điều rất cần thiết. Ở các thành phố lớn, vùng đồng bằng, hoạt động thí điểm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nhận thức của người dân về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững được nâng lên; nhiều gia đình tham gia đăng ký thực hiện trở thành điển hình, gương mẫu trong văn hóa ứng xử, được cộng đồng đánh giá cao…
Trên bình diện toàn xã hội, hơn một năm qua, trong bối cảnh cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19, nhịp sống chậm lại tạo cơ hội để mọi gia đình dành thời gian quây quần, sum họp. Nhiều giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp có dịp được khơi gợi, củng cố, bồi đắp và phát huy mạnh mẽ.
Gia đình là hạt nhân, là tế bào của xã hội. Hạt nhân ấy, tế bào ấy có mạnh khỏe, có lành mạnh thì xã hội mới lành mạnh. Để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, bao dung hơn, việc phát huy các giá trị của văn hóa gia đình phải luôn được coi trọng và nâng cao hơn nữa.
Nhân rộng, lan tỏa và thực hiện tốt “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” là góp phần xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống; bồi đắp, nhân lên các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp, phát huy vai trò hạt nhân xã hội của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ý kiến ()