Phát huy giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận
Suốt 90 năm qua, giá trị và ý nghĩa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận đã trở thành “kim chỉ nam” dẫn đường cho người làm công tác dân vận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành Nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Suốt 90 năm qua, giá trị và ý nghĩa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận đã trở thành “kim chỉ nam” dẫn đường cho người làm công tác dân vận.
Qua đó, công tác dân vận góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn sân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Khoa học và nghệ thuật của công tác dân v ận
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trong lý luận và thực tiễn dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh chung đúc và kết tinh cả tư tưởng, đạo đức lẫn phương pháp và phong cách của Người.
Bởi lẽ đó, bài báo “Dân vận” của Người có “dung lượng nhỏ nhưng là một tác phẩm lớn, thể hiện tầm cao tư tưởng, đạo đức cao đẹp và phong cách đặc sắc.”
Tác phẩm của Người đã gợi mở sâu sắc nhận thức mới về vai trò của dân, tầm quan trọng của công tác dân vận, chỉ dẫn cho mỗi cán bộ, đảng viên về phương pháp, cách thức dân vận, nêu lên những yêu cầu phải thực hiện sao cho công tác dân vận đạt được kết quả, hiệu quả thiết thực nhất.
Qua lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh tính khoa học và nghệ thuật của công tác vận động quần chúng.
Đó là những giá trị ở tầm văn hóa chính trị của Người được nhìn từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân; chính quyền, đoàn thể với nhân dân mà mục đích cao nhất là vì dân. “Dân vận” mang tầm vóc và ý nghĩa của một Cương lĩnh vận động quần chúng làm cách mạng, có giá trị lâu dài, bền vững.
Đồng bào dân tộc Tây Nguyên giã gạo ủng hộ bộ đội giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Nhật Sơn/TTXVN)
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho biết giá trị và ý nghĩa tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với nhân dân không chỉ là chính trị (nhìn từ quan điểm, đường lối, chính sách) mà còn là yếu tố pháp lý, gắn liền với thể chế luật pháp và sâu xa hơn nữa là văn hóa (nhất là văn hóa đạo đức trong thái độ ứng xử, hành xử với nhân dân), trọng dân đi liền với trọng pháp. “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.”
Đạo đức của người cách mạng trong công tác dân vận là đạo đức hành động và nêu gương, Người cho rằng, vì dân và vì sự nghiệp cách mạng phải phấn đấu hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
Người làm công tác dân vận chỉ có “một điều ham”: ham học, ham làm, ham tiến bộ, không ham tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền chức; có như vậy mới toàn tâm, toàn ý vì dân vì nước, có quyết tâm và tín tâm trong việc làm, ứng xử với nhân dân.
Do đó, những chân giá trị trong tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận Hồ Chí Minh mãi còn sức soi sáng, dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp cách mạng, đổi mới, hội nhập và phát triển vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và dân vận chính quyền nói riêng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, huy động sức mạnh của các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng và triển khai công tác dân vận chính quyền.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng quyền, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nhất là các chính sách đối với từng đối tượng cụ thể.
Trong những năm qua, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2021 và cải cách chế độ công vụ, công chức tập trung thực hiện cải cách thể chế, thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi của quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên trao đổi thông tin về công tác dân vận; nắm sát tình hình nhân dân; tình hình và dự báo biến đổi cơ cấu xã hội, các giai cấp, tầng lớp nhân dân.
Việc giải quyết thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến các “điểm nóng,” khiến kiện đông người để kịp thời tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trương, biện pháp giải quyết; xây dựng cơ chế nắm bắt tình hình, tham mưu giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng các điển hình tiên tiến, đặc biệt phong trào thi đua “Dân vận khéo,” “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long) trong lần thứ hai về thăm Quảng Ninh, ngày 4/10/1957. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về nhận thức, kỹ năng công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng tăng cường, đặc biệt cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ được phân công phụ trách công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.
Nâng cao chất lượng công tác dân vận
Thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của dân, công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng, coi công tác dân vận là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng.
Nhờ đó, trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đã tập hơp được đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh dân tộc, thực hiện thắng lợi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bước đầu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Duy Hạnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận mãi là ngọn đuốc, kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho Đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên vận dụng vào công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời gian tới.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao; thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn.
Tuy nhiên, đất nước cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức với 4 nguy cơ hiện hữu: nguy cơ tụt hậu kinh tế; nguy cơ “diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch chống phá; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…
Từ thực tiễn thế giới và trong nước, Tiến sỹ Nguyễn Duy Hạnh cho rằng công tác dân vận trong tình hình mới phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh. Hơn lúc nào hết, để vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ: “Phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa.”
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Duy Hạnh nêu rõ cần quán triệt vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận một cách đầy đủ và toàn diện, tập trung vào các nội dung cơ bản.
Đó là nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội về vị trí, vai trò công tác dân vận; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận, đặc biệt là vai trò của tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác dân vận; đổi mới phương thức tiến hành công tác dân vận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với Anh hùng Lao động Nguyễn Phúc Đồng (ngành Quân giới) và nữ anh hùng Nguyễn Thị Năm (dệt Nam Định) trong buổi họp mặt các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958). (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Bên cạnh đó, Tiến sỹ Nguyễn Duy Hạnh cho biết cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong tiến hành công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan làm công tác dân vận có uy tín, năng lực, có tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân. Các cấp ủy đảng phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận và quy chế dân chủ.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Hạnh nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường thực hiện quy chế nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt cán bộ, đảng viên ở vị trí quan trọng; có chính sách động viên, khen thưởng, kỷ luật kịp thời với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác dân vận; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận./.
Ý kiến ()