Phát huy giá trị sản phẩm làng nghề Bắc Giang
Làm đồ thủ công mỹ nghệ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đất Bắc Giang từ xưa được coi là vùng "phên dậu" của các triều đại phong kiến nước ta đối với người phương bắc. Đây là một trong những vùng văn hóa đa dạng, là nơi quy tụ của nhiều sắc màu văn hóa vùng miền, dân tộc. Chính vì vậy, những sản phẩm làng nghề Bắc Giang cũng mang đậm dấu ấn văn hóa thể hiện đặc trưng vùng miền, dân tộc.Đa dạng làng nghề truyền thốngCư dân vùng thấp Bắc Giang nổi tiếng với những sản phẩm có ảnh hưởng từ sông nước, trồng lúa và khai thác thủy sản. Nổi tiếng nhất có lẽ là rượu làng Vân. Làng Vân thuộc xã Vân Hà (huyện Việt Yên), tiếp giáp với sông Cầu nên rõ ràng ảnh hưởng sông nước là đặc trưng dễ thấy để làm nên một chất rượu làng Vân "Vân Hương mỹ tửu lừng thiên hạ". Trước kia, rượu làng Vân nấu hoàn toàn thủ công, độ cồn từ 400 trở lên đến mức có thể đốt cháy. Tuy vậy, rượu uống không đau đầu, lại có vị êm dịu, thoang thoảng hương...
Làm đồ thủ công mỹ nghệ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). |
Đa dạng làng nghề truyền thống
Cư dân vùng thấp Bắc Giang nổi tiếng với những sản phẩm có ảnh hưởng từ sông nước, trồng lúa và khai thác thủy sản. Nổi tiếng nhất có lẽ là rượu làng Vân. Làng Vân thuộc xã Vân Hà (huyện Việt Yên), tiếp giáp với sông Cầu nên rõ ràng ảnh hưởng sông nước là đặc trưng dễ thấy để làm nên một chất rượu làng Vân “Vân Hương mỹ tửu lừng thiên hạ”. Trước kia, rượu làng Vân nấu hoàn toàn thủ công, độ cồn từ 400 trở lên đến mức có thể đốt cháy. Tuy vậy, rượu uống không đau đầu, lại có vị êm dịu, thoang thoảng hương nếp và ngòn ngọt đầu lưỡi chứ không gắt. Rượu Vân được hình thành do người dân làng Vân và các làng ven sông Cầu sinh nhai bằng nghề đánh bắt thủy sản là chính nên thường phải uống rượu “làm nóng” trước khi xuống nước. Hơn nữa, những cánh đồng trù phú ven sông là nơi trồng loại gạo thơm đặc biệt chỉ có ở địa phương chuyên dùng để nấu rượu, đồ xôi… Ngày nay do nhu cầu sử dụng, rượu Vân được sản xuất công nghiệp, số lượng nhiều nhưng chất lượng không được như nấu thủ công.
Làng nghề đan lát Tăng Tiến (Việt Yên) với sản phẩm đặc trưng là đó, lờ, giậm, hom, giỏ… cũng là một làng nghề mang âm hưởng sông nước. Những sản phẩm thủ công ở Tăng Tiến ngoài phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản còn nhiều sản phẩm phục vụ cuộc sống của người dân như rổ, rá, rế, mành… Gần đây, làng nghề Tăng Tiến bắt đầu có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a… Đời sống của người dân nơi đây khá cao nhờ nguồn thu nhập tương đối ổn định. Làng nghề Tăng Tiến ngày nay còn trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp rất bình dị, thân thuộc.
Phía bờ nam sông Thương, thuộc TP Bắc Giang, món chè kho của đất Mỹ Độ và bánh đa làng Kế (xã Dĩnh Kế) giống như chút gia vị nhấn nhá của người ngoại thành thường mang vào bán cho người phố thời xa xưa. Hai món ăn này, hương vị, mầu sắc, âm thanh… đều trái ngược nhau nhưng không “phá” mà bổ trợ nhau rất “ăn ý”. Chẳng thế mà thời trước chè kho – bánh đa được liệt vào hàng thức ăn tráng miệng “cực phẩm” của người Kinh Bắc, chỉ nhà khá giả mới có điều kiện để thưởng thức thường xuyên mà thôi. Ngày nay, bánh đa Kế trở thành một món quà bán la liệt ven đường, các cửa ngõ vào TP Bắc Giang. Duy còn chè kho vẫn giữ được giá trị độc đáo của nó trong đời sống của người Kinh Bắc. Trong các đám cưới, tiệc nhà hàng, khách sạn, mỗi khi có món ăn tráng miệng này xuất hiện thì bữa tiệc đó được coi là sang trọng, gia chủ được coi là lịch thiệp, hiểu biết…
Ngoài những sản phẩm làng nghề độc đáo kể trên, Bắc Giang có những làng nghề gắn với văn hóa sông nước, nông nghiệp như: Gốm Thổ Hà (Việt Yên), làng Ngòi (Yên Dũng); nghề mò trai ngọc, đan rọ tôm Yên Dũng; làng bún Đa Mai… Dời vùng thấp, ngược lên miền núi Bắc Giang là nơi sinh sống của cộng đồng đa dân tộc: Kinh, Tày, Cao Lan, Sán Chỉ, Nùng, Dao, Hoa… Những làng nghề ở đây mang đậm nét văn hóa dân tộc bản địa với mỳ Chũ của làng nghề Thủ Dương (Lục Ngạn), dệt thổ cẩm, làm giấy dó ở Khe Nghè (Lục Nam), nuôi ong mật ở Lục Ngạn, Sơn Động, trồng lúa nếp và làm xôi nếp bảy mầu Phì Điền; bắt kiến và làm xôi trứng kiến của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Thành (Lục Ngạn)… Một số sản phẩm đã và đang tạo được thị trường cả trong và ngoài nước, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân làm nghề, trở thành điểm nhấn cho phát triển du lịch của địa phương.
Phát huy giá trị kinh tế làng nghề
Sở Công thương Bắc Giang đã có những động thái tích cực nhằm tôn vinh và phát huy giá trị của sản phẩm làng nghề bằng nhiều cuộc xúc tiến thương mại rầm rộ. Không chỉ trong tỉnh, trong nước mà sản phẩm làng nghề, như đan lát Tăng Tiến, mật ong rừng Sơn Động – Lục Ngạn, gốm Thổ Hà, rượu làng Vân, mỳ Chũ… đã xuất hiện và được đón nhận ở một số thị trường ngoài nước. Việc mang lại nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định đã hút một lượng lớn lao động nông nghiệp dôi dư trong quá trình phát triển công nghiệp. Như làng nghề Tăng Tiến, hiện có khoảng 70% số hộ (6.000 lao động) làm nghề đan lát; xã Dĩnh Kế có 80% số lao động làm bánh đa, mỳ; làng Vân gần 100% số dân biết nấu rượu và bán rượu; làng bún Đa Mai cung cấp khoảng một tấn bún/ngày ra thị trường; làng Thủ Dương gần như cả làng đều làm mỳ; hay như vùng Nghĩa Hồ thuộc huyện Lục Ngạn, hình thành cả một hợp tác xã nuôi ong mật với cả trăm hộ tham gia… Giá trị về kinh tế mà sản phẩm làng nghề mang lại tuy chưa phải là lớn nhưng không hề nhỏ so với sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, chính làng nghề đã góp phần giải quyết một phần khó khăn trong lao động dôi dư của địa phương. Cái khó nhất để tạo cho làng nghề và sản phẩm làng nghề có một “chỗ đứng” ổn định vẫn là tìm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều nơi hiện nay vẫn sản xuất theo hình thức tự phát, hàng bán chạy thì làm nhiều, bán ít thì nghỉ dài; sự đầu tư cho tái sản xuất quá thấp; quảng bá sản phẩm ít và chưa có sự chuẩn bị chu đáo; chưa tạo được sự hấp dẫn và kích thích sáng tạo, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm…
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với làng nghề là giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Làng rượu Vân, làng bún Đa Mai, mỳ Thủ Dương, bánh đa Kế thậm chí làng nghề gốm, làng đan lát cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều nơi, trong một không gian nhỏ, hẹp quánh đặc mùi của chất thải, nước thải lưu cữu lâu ngày. Hệ thống thoát nước cũ kỹ, hư hỏng không bảo đảm cho lượng nước quá lớn thoát hết đến bãi thải. Ngoài ra các chất thải rắn hầu như cũng chưa được thu gom và xử lý đúng cách… Mới đây, trong một hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề truyền thống tại Bắc Giang là “đáng báo động” và đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi cao. Một trong số đó được triển khai thử nghiệm tại làng Vân đã cho kết quả khả quan là cải tạo hệ thống thoát nước thải. Nước thải sau khi được dẫn ra khu xử lý được “làm sạch” trước khi xả thẳng xuống sông Cầu. Tuy nhiên, đối với làng nghề, trong một không gian hẹp, lại quá đông người sản xuất khiến hệ thống thoát nước quá tải. Mặc dù gần đây tình trạng ô nhiễm ở làng nghề có được cải thiện nhưng rõ ràng hiệu quả chưa cao, chưa bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường chưa được hiểu đúng ở chính những người dân làng nghề, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, làm việc tùy tiện, phần lớn người dân không có khái niệm về bảo vệ môi trường…
Làng nghề thủ công ở Bắc Giang có vai trò khá lớn đối với đời sống của một bộ phận nhân dân địa phương, giá trị kinh tế từ sản phẩm làng nghề mang lại hằng năm đạt gần 5% GDP toàn tỉnh. Ngoài ra, những làng nghề thủ công còn có giá trị về du lịch, giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư thiếu đất sản xuất… Phát huy giá trị kinh tế của sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường ở làng nghề Bắc Giang không phải là vấn đề nan giải nếu có sự phối hợp tốt hơn từ các ban ngành, địa phương liên quan cũng như ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()