Phát huy giá trị hoa văn cổ bằng công nghệ mới
Một số trang phục do Công ty TNHH Hoa Văn Đại Việt thực hiện, được giới thiệu đến công chúng.
Dự án Việt Nam cổ phục ra đời với mong muốn mang lại cho người Việt cái nhìn tổng quan về đặc tính, yếu tố căn bản (kết cấu, chất liệu, thẩm mỹ quan trong trang phục xưa của Việt Nam nói riêng, cũng như người Á Đông nói chung; giúp phần lớn người dân tiếp cận được các loại hình trang phục Việt bằng những hình ảnh vừa bắt mắt, đầy tính thẩm mỹ, lại đậm đà bản sắc dân tộc và đúng với lịch sử.
Dự án do nhóm Đại Việt cổ phong và Công ty TNHH Hoa Văn Đại Việt thực hiện, sử dụng công nghệ vector và kỹ thuật đồ họa cao để vẽ lại các trang phục truyền thống tiêu biểu, đặc sắc, biểu trưng của Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử trải dài từ triều Lý đến triều Nguyễn.
Trang phục khăn vành, áo Nhật Bình của công chúa triều Nguyễn (phải).
Sản phẩm của dự án hướng tới việc tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử và cổ trang. Cụ thể như sách Việt Nam cổ phục được thể hiện dưới dạng tranh vẽ; vẽ các tranh thiết kế hoặc lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống… được chuẩn hóa cả về phương diện lịch sử lẫn tính thẩm mỹ sẽ là điểm tựa vững chắc cho dự án phục cổ, phim ảnh, truyện tranh sau này. Bên cạnh đó, là các sản phẩm hiện đại như tượng, búp bê, móc khóa, áo thun… cũng sẽ tái hiện các dạng trang phục cổ của Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện và cách trình bày, anh Nguyễn Thanh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Văn Đại Việt cho biết: “Đội ngũ dự án sẽ thực hiện ba bộ sách chia theo các thời kỳ Lý Trần, Lê và Nguyễn. Các tranh vẽ được thể hiện dưới cả hình thức chuẩn atanomy (mang đậm tính nghiên cứu, thuyết minh), lẫn chibi (tăng tính hấp dẫn cho phục trang tiếp cận với thế hệ trẻ). Bên cạnh đó, dự án cũng tổng hợp và cung cấp thông tin không chỉ ở dạng trang phục Việt đã từng tồn tại trong lịch sử, mà còn giúp cộng đồng phân biệt, xác minh rõ ràng trang phục nào dùng trong trường hợp nào, địa vị ra sao, mức độ phổ biến như thế nào…”
Tái hiện hình ảnh vấn khăn cổ xưa.
Trong tương lai, sản phẩm của dự án sẽ tạo nên kho dữ liệu phong phú, khôn chỉ về loại hình trang phục của Việt Nam trong lịch sử, mà còn về cách thức làm đẹp. Đây là cơ sở và chất liệu nguyên bản cho các nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo nên nhiều tác phẩm đặc trưng văn hóa Việt, chống lại sự xâm lăng văn hóa, có thể thông qua văn học, phim điện ảnh… của các nền văn hóa khác trên thế giới.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoa Văn Đại Việt Cù Minh Khôi cho biết: “Chúng tôi mong muốn dự án không chỉ dừng lại ở việc số hóa hoa văn cổ Việt Nam, mà còn là nơi chia sẻ hoa văn, họa tiết truyền thống, những ý tưởng sáng tạo, ứng dụng hoa văn trong đời sống hiện đại, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống. Những sản phẩm ứng dụng của nhóm luôn được cộng đồng nồng nhiệt đón nhận, cho thấy việc sử dụng những sản phẩm như thế có ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong dịp Tết cổ truyền khi người người, nhà nhà thể hiện mong muốn hướng về cội nguồn”.
Công ty TNHH Hoa Văn Đại Việt vốn tiền thân là dự án gây quỹ cộng đồng, nhằm sử dụng công nghệ mới – vector để vẽ lại toàn bộ các hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam, với mong muốn bảo tồn, tôn vinh những hoa văn phổ biến, biểu trưng và đặc sắc trong mỹ thuật truyền thống qua các triều đại phong kiến tự chủ. Hoa Văn Đại Việt là dự án lớn nhất mà nhóm Đại Việt cổ phong đã từng thực hiện kể từ ngày thành lập.
Ý kiến ()