Phát huy giá trị đình làng Mỏ, góp phần lưu giữ lịch sử truyền thống địa phương
– Chi Lăng là vùng đất chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa tiêu biểu, hiện còn bảo tồn được nhiều ngôi đình linh thiêng có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, trong đó, có đình làng Mỏ thờ Thành hoàng làng Lô Văn Lá. Những năm qua, bằng nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, UBND huyện Chi Lăng và người dân nơi đây đã nỗ lực góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống địa phương.
Một ngày cuối tháng 5/2023, vượt cái nắng chói chang của mùa hè, chúng tôi đã có dịp đến thăm di tích đình làng Mỏ. Men theo con đường nhỏ xuyên qua vườn vải chín, trước mắt chúng tôi là ngôi đình nhỏ nằm gọn giữa khoảng đất rộng, bước vào trong gian hậu cung, đồ thờ được sắp đặt ngay ngắn, nghiêm trang.
Thành viên Ban Quản lý di tích đình làng Mỏ dọn dẹp ban thờ
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, đình làng Mỏ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX trên đỉnh đồi Đông Đình, xã Quang Lang (nay thuộc khu Hữu Nghị, thị trấn Đồng Mỏ), huyện Chi Lăng. Đình thờ chính Thành hoàng làng Lô Văn Lá (1774 – 1821) là người con trai thứ 5 của gia đình họ Lô (hay còn gọi là họ Lư), thuộc chi V, hệ thứ II ở làng Mỏ. Do thông minh, tài giỏi, ông được cất nhắc lên làm quan và thường được vua cử đi sứ, giao hảo với các nước lân bang. Ông thường xuyên dạy dân mở đất khai hoang phát triển cuộc sống. Ông nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực, trong đó có câu chuyện phạt con trai 16 tuổi để làm gương cho dân (phạt con trai mình phải nhảy xuống vực lốc dòng sông Thương chết do ném cành gai làm chết 6 đứa trẻ chăn trâu). Ngoài ra, đình còn thờ vọng tướng Đại Huề, dân tộc Tày, quê ở Làng Lìu (làng Cây Quýt), thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, ông đã đứng lên chiêu binh tập trận, lập ra các đội “tuần đinh, tuần tráng”, trở thành thủ lĩnh lãnh đạo Nhân dân địa phương chống giặc.
Ban đầu đình làm bằng gỗ, lợp mái gianh, sau khi vua Khải Định năm thứ 9 (1924) ban sắc phong, Nhân dân trong làng đóng góp xây dựng ngôi đình mới bề thế, to đẹp hơn với kiến trúc 3 gian 2 chái, mái ngói âm dương, 4 góc mái cong vút, cột gỗ to tròn kê trên chân đá tảng, ở phía sau tiếp liền gian giữa là gian thờ hậu cung. Từ khoảng năm 1950 – 1955, đình được sử dụng làm lớp học của trường cấp 1 xã Quang Lang. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình bị bom đạn Mỹ ném xuống, phá hủy hoàn toàn.
Ông Vi Phương Tự, Trưởng Ban Quản lý di tích đình làng Mỏ cho biết: Năm 2013, Nhân dân địa phương đã góp tiền của xây dựng lại gian hậu cung để làm nơi thờ cúng với diện tích 28 m2. Năm 2016, bà con trong thôn góp công, góp của, đổ con đường bê tông dài 317 m để lên đình và xây dựng một số hạng mục phụ trợ như kho, bếp, sân khấu, ban thờ thổ công, bể hóa vàng, nhà vệ sinh, bể chứa nước… Cùng với đó, hằng ngày để đình được khang trang, tôn nghiêm, sạch sẽ, chúng tôi vẫn thường thay phiên nhau đến quét dọn, vệ sinh.
Về phía chính quyền, thời gian qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích đình làng Mỏ, UBND huyện Chi Lăng đã có nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, giao trực tiếp và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND thị trấn Đồng Mỏ thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của đình làng Mỏ, trong đó, đã phục dựng thành công lễ hội truyền thống của đình vào năm 2015, thành lập Ban Quản lý di tích đình gồm 10 thành viên. Năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, xây dựng bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích đình làng Mỏ với tổng diện tích 3.456 m2; phối hợp với Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, theo đó, đã được trao bằng xếp hạng vào tháng 1/2023.
Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo chính quyền thị trấn tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình làng Mỏ; tăng cường vận động kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Nhân dân để trùng tu tôn tạo điểm di tích khang trang hơn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu UBND huyện đưa di tích này trở thành điểm du lịch trọng điểm của huyện trong tương lai.
Ý kiến ()