Phát huy giá trị di sản văn hóa Xứ Lạng trong thời kỳ hội nhập
(LSO)-Trải qua các giai đoạn lịch sử, Xứ Lạng ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa (DSVH) mang đậm bản sắc dân tộc. Đây là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch và là nền tảng vững chắc để Lạng Sơn hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới.
Tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca tỉnh
trong Liên hoan hát then, đàn tính các câu lạc bộ tỉnh Lạng Sơn
mở rộng lần thứ nhất – năm 2019
Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như: núi Tô Thị, chùa Tam Thanh, thung lũng Bắc Sơn, núi Mẫu Sơn… Đây cũng là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 80% là dân tộc Tày, Nùng, còn lại là các dân tộc: Kinh, Dao, Hoa… chính yếu tố này đã tạo nên những DSVH đặc sắc của Xứ Lạng.
Trong thời kỳ hội nhập, những giá trị DSVH chính là một tiềm năng, nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Do đó, nhằm bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn DSVH gắn với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới công tác bảo tồn DSVH dân tộc gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, ngày 31/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị Quyết số 25- NQ/TU về “Bảo tồn và Phát huy các giá trị DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo”.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Di sản văn hóa (DSVH) Xứ Lạng là nguồn tài nguyên rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là những DSVH phi vật thể như các lễ hội đã và đang thu hút một lượng lớn khách du lịch, góp phần “biến di sản thành tài sản”, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ khi thành lập đến nay, Hội DSVH tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng tuyên truyền và nâng cao nhận thức về DSVH (năm 2019, Hội Bảo tồn di sản tỉnh đã tổ chức được 5 lớp tập huấn tại các huyện, thành phố); tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản ấn phẩm về các công trình nghiên cứu, tài liệu quảng bá các DSVH Lạng Sơn như: cuốn sách “Người Nùng Cháo ở Nà Lầu sinh kế truyền thống và hiện đại”; “Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ”; tăng cường quản lý, bảo vệ các DSVH; tổ chức trình diễn các loại hình DSVH phi vật thể; tham mưu cho ngành chức năng các biện pháp giữ gìn và phát huy DSVH Xứ Lạng. |
Trên cơ sở đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH thông qua nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, ngành VHTTDL đã tiến hành lập danh mục thống kê được 1.117 điểm di tích và cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu lựa chọn 335 di tích đưa vào danh mục trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; lập hồ sơ khoa học thêm 19 di tích, nâng tổng số di tích được xếp hạng từ 107 lên 126 di tích (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 98 di tích cấp tỉnh). Đáng chú ý, 10 năm qua đã có 161 lượt tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng (trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm 46,5%).
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố có 109 di tích, trong đó có 13 di tích xếp hạng quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố đã tôn tạo được trên 60 lượt di tích với kinh phí từ nguồn ngân sách và xã hội hóa hơn 50 tỷ đồng. Nhờ đó, các di tích ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị thực tế, phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn.
Cùng với DSVH vật thể, DSVH phi vật thể cũng được các cấp, các ngành quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Từ năm 2011 – 2018, ngành VHTTDL đã lập 3.273 phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; sưu tầm và chụp được hơn 3.000 ảnh tư liệu về tập quán xã hội của các dân tộc, các tri thức dân gian, lễ hội, văn hóa ẩm thực… Đồng thời thực hiện 11 dự án, đề tài nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Mặt khác, mỗi năm ngành VHTTDL tổ chức trên 30 lớp truyền dạy, phổ biến dân ca trên địa bàn, thu hút khoảng 2.000 người tham gia.
Với những nỗ lực không ngừng, đến thời điểm này, Lạng Sơn đã có 8 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mới đây nhất, ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2966/QĐ-BVHTTDL đưa “Hát Sli dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân và 18 nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Đó là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH.
Bà Hoàng Kim Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn là vùng di sản văn hóa (DSVH) phong phú, đa dạng và có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, các DSVH ngày càng được nâng tầm giá trị, trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, đồng thời là những điểm đến, thu hút khách du lịch với nhiều loại hình như: du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng… Vì thế, Hiệp hội Du lịch tỉnh xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung khai thác giá trị các DSVH trên địa bàn, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù. Đồng thời kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào các điểm di tích, xây dựng những tuyến điểm du lịch hấp dẫn kèm theo các chuỗi dịch vụ chất lượng cao. Cùng với đó, hiệp hội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch quan tâm hơn nữa đến môi trường, cảnh quan di tích để tạo nên sự phát triển bền vững. |
Để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trong thời kỳ hội nhập, hoạt động ngoại giao văn hóa của Lạng Sơn với các nước trong khu vực và Quảng Tây – Trung Quốc tiếp tục được quan tâm, tổ chức với hình thức đa dạng, nội dung phong phú như: giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử truyền thống của cộng đồng các dân tộc; học tập, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động du lịch; quản lý, đào tạo, biểu diễn nghệ thuật; hoạt động văn hóa – thể thao nhân dịp hai bên tổ chức sự kiện, quan hệ ngoại giao… Các hoạt động đã để lại ấn tượng sâu sắc, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc của tỉnh, xây dựng hình ảnh văn hóa Lạng Sơn giàu bản sắc với các nước trong khu vực.
Nhờ những nỗ lực đó, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ngày càng tăng, 5 năm trở lại đây (2014 – 2018), trung bình mỗi năm, Lạng Sơn đón khoảng trên 2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượng khách giai đoạn này là 5,3%. Từ đầu năm 2019, Lạng Sơn đã đón trên 2,4 triệu lượt khách (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018).
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về di sản văn hóa các dân tộc; triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo tồn di sản văn hóa…
NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI
Ý kiến ()