Phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo cơ hội phát triển du lịch
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, hệ thống pháp luật qua các thời kỳ đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa.
Di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước, qua nhiều thời kỳ lịch sử, cùng với đó là lớp lớp di sản của các nền văn hóa được hình thành, phát triển.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Vì vậy, việc bảo tồn các di sản, di tích là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, hệ thống pháp luật qua các thời kỳ đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh đất nước.
Ngày 23/11/1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, dù còn bộn bề các công việc cấp bách cần giải quyết, nhưng với tầm nhìn minh triết của một vĩ nhân-danh nhân văn hóa kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SLvề bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh xác định việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam.
Điều 4 của Sắc lệnh nêu rõ cấm phá hủy đình chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Sắc lệnh này, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23-11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trước đó, năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 – điều chỉnh cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghi định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế…
Đặc biệt, để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các nghệ nhân trong việc truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân,” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, trong giai đoạn 2011-2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích.
Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn từ năm 2011-2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích, trong thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.
Ngoài ra, năm 2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 600 cá nhân và truy tặng 17 cá nhân, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn bền vững các di sản văn hóa phi vật thể của đất nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã làm được,công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vẫn còn những hạn chế, như việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa,” “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm; chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chưa có giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng, trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.
Di sản tạo cơ hội phát triển du lịch
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan, di sản có giá trị. Chính những di sản văn hóa, thiên nhiên đã góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch.
Việt Nam đã có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên, di sản tư liệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.
Cùng với đó, trên khắp cả nước có hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là di sản cấp quốc gia, hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực của các vùng miền, dân tộc; di sản văn hóa, văn nghệ dân gian…
Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đặc sắc cho các địa phương trên cả nước khai thác phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân. Nhờ đó, nhiều địa phương đã có tên trên bản đồ du lịch trong nước và được du khách quốc tế.
Quần thể di tích Cố đô Huế là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trên hành trình khám phá di sản miền Trung. Theo thống kê, năm 2018 đã có khoảng 3,5 triệu lượt khách đã đến tham quan các điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế.
Còn tại Hội An, năm 2018 đón tổng lượt khách tham quan, lưu trú lên tới 5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt. Doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 266 tỷ đồng. Doanh thu vé tham quan Cù Lao Chàm đạt gần 27 tỷ đồng.
Mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch nơi đây đang tiếp tục phát triển về số lượng và đa dạng loại hình. Hội An cũng đã được vinh danh là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” trong hệ thống Giải thưởng du lịch thế giới năm 2019.
Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho du lịch Quảng Ninh.
Năm Du lịch Quốc gia 2018 Hạ Long-Quảng Ninh là năm “bội thu” khi ngành du lịch đón 12,2 triệu lượt khách, trong đó hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 23.600 tỷ đồng.
Riêng Vịnh Hạ Long đón khoảng 4,1 triệu lượt khách, tăng 4%, trong đó 2,82 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4% so với năm 2017.
Khách quốc tế đến Quảng Ninh đã chiếm 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018, đã góp phần khẳng định Hạ Long-Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn du khách.
Có thể khẳng định di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Với ngành du lịch, di sản văn hóa, thiên nhiên là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm, các địa phương khai thác để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ở nhiều nơi, một phần doanh thu từ du lịch di sản văn hóa đã được dùng cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và quản lý di sản. Điều này có nghĩa là du lịch di sản văn hóa đã đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản.
Hướng tới phát triển bền vững
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã thể hiện rõ chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Du lịch văn hóa là một trong 4 sản phẩm du lịch chính của Việt Nam trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.
Với loại hình du lịch văn hóa, du khách có thể tham quan di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống bảo tàng, công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật, cho tới tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, lối sống địa phương, thưởng thức ẩm thực, sản vật vùng miền…
Tuy du lịch tạo ra nhiều lợi ích cho mỗi địa phương nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch phát triển nhanh chóng mà không tuân theo quy hoạch, hướng tới phát triển bền vững sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan môi trường.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang tác động tiêu cực tới di sản văn hóa.
Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng ở Việt Nam đang có hiện tượng bị khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới tính nguyên vẹn của di sản.
Ông Hà Văn Siêu cũng chia sẻ tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa … đang là hồi chuông cảnh báo các bên liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
UNESCO đã từng có khuyến cáo rằng bảo tồn di sản mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Tuy nhiên, khai thác mà bất chấp việc giữ gìn di sản sẽ tự đánh mất tài nguyên. Bởi lẽ các di sản không chỉ đem lại nguồn lợi khi phát triển du lịch bền vững, mà còn đưa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế.
Do đó, để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các giá trị di sản, văn hóa, Việt Nam cần có chiến lược phát triển phù hợp. Ngành du lịch cần lựa chọn sản phẩm du lịch trên cơ sở giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng. Sản phẩm du lịch cần tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa mặt khác phải góp phần nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa.
Các địa phương cần có các hoạt động thiết thực nhằm khai thác di sản, văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững. Điều quan trọng vẫn là tạo ra nhận thức, hành động đúng đắn từ mỗi người dân bản địa nơi khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch. Khi đó, bản thân mỗi người dân, cộng đồng sẽ có cách ứng xử phù hợp với di sản; kiểm soát sức chứa, loại hình hoạt động để bảo vệ hệ sinh thái tại di sản; gắn lợi tích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản./.
Ý kiến ()