Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
LSO-Trong những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH). Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách xã hội hóa, nhiều DSVH được quan tâm đầu tư, trở thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, thu hút khách tham quan đến với Lạng Sơn.
Người cao tuổi thực hiện nghi thức dâng hương tại Lễ hội Bủng Kham (Đại Đồng, Tràng Định) |
DSVH chia làm 2 loại, gồm: DSVH vật thể và phi vật thể. Trong đó DSVH vật thể chính là hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đình đền chùa… Đây chính là nguồn tài nguyên lớn để khai thác, phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo thời gian, những di tích này bị xuống cấp, hư hại, cần có sự quan tâm trùng tu, tôn tạo mới có thể gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Những năm qua, bằng ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa, quá trình phục hồi, chống xuống cấp di tích được thực hiện đúng theo nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong quản lý, đầu tư xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 42 điểm, khu di tích và các cơ sở thờ tự được đầu tư tôn tạo với 108 lượt trùng tu, chống xuống cấp, tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước hơn 22,6 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa hơn 57,1 tỷ đồng.
Cao Lộc là địa bàn tập trung số lượng lớn di tích (58 di tích), trong đó có 11 di tích cấp tỉnh và 1 di tích quốc gia. Bà Hoàng Mai Dung, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện cho biết: Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tiến hành trùng tu tôn tạo hệ thống di tích với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Đặc biệt, khu di tích nhà bia Thủy Môn Đình (thị trấn Đồng Đăng) đã được tỉnh phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo và ghi vốn năm 2017. Khu du kích Ba Sơn, Chùa Bắc Nga đã được trình quy hoạch phát triển du lịch. Đây là những tín hiệu vui, hứa hẹn sự khởi sắc của du lịch Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung trong những năm tới.
Đi đôi với đầu tư tôn tạo di tích, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã phối hợp với phòng VHTT các huyện, thành phố, các đơn vị kinh doanh lữ hành, ban quản lý các điểm di tích xây dựng các tuyến du lịch gắn liền với các di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các loại hình du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, mua sắm. Ví như: tuyến du lịch Lạng Sơn – Bắc Sơn (thăm các điểm: làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn – hang Cốc Lý – bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn – đèo Tam Canh – làng ngói Tân Sơn); tuyến Lạng Sơn – Cao Lộc – Lộc Bình (Khu cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, bia Thủy Môn Đình, Đền Mẫu, Khu du lịch Mẫu Sơn, suối Long Đầu, chùa Bắc Nga)…
Cùng với đó, các loại hình DSVH phi vật thể (phong tục tập quán, lễ hội, dân ca dân vũ…) cũng được quan tâm, triển khai nhiều biện pháp tích cực như: kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn cũng như khai thác, ứng dụng các dự án, đề tài khoa học về bảo tồn, phát huy vốn DSVH trong thực tiễn. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 5 dự án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, 3 đề tài nghiên cứu bảo tồn DSVH phi vật thể được thực hiện với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể còn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy, phổ biến các loại hình dân ca, dân vũ, tiếng nói, chữ viết dân tộc, khai thác sử dụng chất liệu nghệ thuật dân tộc phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh, tham gia các hội diễn trong và ngoài nước. Qua đó góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và mở rộng giao lưu đối ngoại.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Thực hiện quan điểm “Bảo tồn phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua việc hình thành một số vùng không gian văn hóa – di sản tiêu biểu” theo Nghị quyết số 25-NQ/TU (ngày 31/8/2016) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới, ngành VHTTDL tiếp tục hoàn thiện các quy định để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy DSVH xứ Lạng với phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích trọng điểm trên địa bàn; gắn kết DSVH với các tour, tuyến du lịch giữa Lạng Sơn và các tỉnh lân cận, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế địa phương.
Theo số liệu thống kê của Sở VHTTDL, tỉnh ta hiện có 586 DSVH vật thể, chia làm 4 loại hình, gồm: 248 di tích lịch sử cách mạng, 44 khảo cổ, 250 kiến trúc nghệ thuật (tín ngưỡng, tâm linh), 44 danh lam thắng cảnh. Trong đó có 28 di tích quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh. Còn di DSVH phi vật thể cũng rất đa dạng với hàng trăm lễ hội, phong tục tập quán, nghề truyền thống… Trong đó có 4 DSVH phi vật thể đặc biệt được xếp vào danh sách DSVH phi vật thể quốc gia, đó là: Lễ hội Ná Nhèm (Trấn Yên, Bắc Sơn), Lễ hội Bủng Kham (Đại Đồng, Tràng Định), Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn), di sản Then của dân tộc Tày, Nùng. |
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()