Phát huy giá trị di sản Hán - Nôm Lạng Sơn: Góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống
– Lạng Sơn là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, trong quá trình xây dựng và phát triển, tiền nhân đã để lại nhiều di sản văn hóa quý giá, trong đó có di sản Hán – Nôm. Để nguồn di sản này phát huy hiệu quả, những năm qua, ngành văn hóa tỉnh và các cấp, ngành liên quan đã có nhiều giải pháp, từng bước bảo tồn, gìn giữ, khai thác giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc của địa phương.
Kho tàng di sản Hán – Nôm đa dạng, quý giá
Di sản Hán – Nôm là những thư tịch, tài liệu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, là kho tàng văn hóa thành văn vô cùng phong phú. Những di sản này là bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc, là sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại, là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung và địa phương nói riêng. Các di sản Hán – Nôm chủ yếu được thể hiện qua các sắc phong, văn bia, hoành phi câu đối, bài thơ khắc trên đá, thần tích thần sắc, sách cổ… ở các di tích và lưu truyền trong dân gian.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu về tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn trong triển lãm “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển” tại Bảo tàng tỉnh
Tiến Sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Cùng với hệ thống các di sản văn hóa khác, di sản Hán – Nôm là khối tài sản quý giá, góp phần giúp thế hệ mai sau hiểu được lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương. Đó cũng là nguồn tư liệu rất quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các địa phương một thời đã qua. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện lưu giữ khối lượng đồ sộ di sản hán nôm, trong đó có bia “Thủy Môn Đình” đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh, đình Vằng Khắc, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đang lưu giữ 6 đạo sắc phong cổ, gồm đạo sắc năm Cảnh Hưng thứ 28 năm 1767; đạo sắc dưới thời vua Tự Đức, Duy Tân, Khải Định cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đây là những di sản Hán – Nôm, tư liệu chữ viết quan trọng giúp xác định được giá trị của di tích đối với lịch sử, văn hóa của tỉnh. Mỗi đạo sắc phong gồm các nội dung: địa chỉ thờ thần; tên gọi của thần; lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật; trách nhiệm của thần đối với dân sở tại; trách nhiệm của dân đối với thần; ngày tháng năm ban sắc.
Ông Đinh Văn Hòa, Thủ từ đình Vằng Khắc cho biết: Những đạo sắc này có ý nghĩa đặc biệt đối với dân làng chúng tôi, giống như bảo vật của làng. Chính vì vậy, chúng tôi đã gìn giữ những đạo sắc này thật cẩn thận, để vào một ống nhựa được làm từ năm 1979 và cất giữ tại gia đình. Chỉ khi lễ hội hay những dịp quan trọng cần thiết, chúng tôi mới mang ra đình để thực hiện những nghi lễ truyền thống rồi lại cất ngay.
Tại khu di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, theo ghi nhận của chúng tôi, có 26 tấm bia ma nhai, khắc trực tiếp lên đá, trong đó có 10 tấm nguyên vẹn. Đây là khối di sản Hán – Nôm quan trọng, là những bút tích, bài thơ của các danh nhân xưa để lại khi đến mảnh đất Lạng Sơn, phản ánh vai trò vị trí trọng yếu của Xứ Lạng qua các thời kỳ lịch sử. Việc bảo tồn hệ thống các văn bia này thời gian qua đã được UBND thành phố quan tâm, chú trọng. Theo đó, hằng năm, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành vệ sinh bề mặt bia hai lần, dùng nước lau kính để xử lý những lớp rêu bám trên các văn bia, đồng thời, lắp đèn chiếu sáng ở một số văn bia tạo ánh sáng thuận tiện cho khách tham quan và các nhà nghiên cứu dễ tìm hiểu, tra cứu
Nỗ lực bảo tồn, gìn giữ
Để phát huy giá trị di sản Hán – Nôm của tỉnh, về phía cơ quan quản lý nhà nước, những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã có nhiều giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai các hoạt động thiết thực để phát huy di sản văn hóa, đặc biệt chú trọng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản hán nôm trên địa bàn với nhiều giải pháp thiết thực như: Sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu, biên dịch, xuất bản sách và số hóa về di sản hán nôm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về khối di sản này…
Cán bộ Bảo tàng tỉnh thực hiện bảo quản tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn bằng chữ Hán – Nôm được khắc dập trên giấy
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, ngành đã tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố, phân loại lập danh mục 353 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có gần 100 phiếu kiểm kê về các di sản văn hóa viết bằng chữ hán và chữ nôm như: Các bức sắc phong, thư tịch, tài liệu hán nôm được tìm thấy tại các dòng tộc, đình, chùa, miếu… ) được đơn vị chức năng chụp ảnh, scan để lưu giữ bản gốc; đồng thời, phân loại, dịch nghĩa, in sao nhằm phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử của Xứ Lạng. Đồng thời, năm 2021, Sở VHTT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quyết định số 855/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030, trong đó bao gồm cả hệ thống di sản Hán – Nôm.
Đáng chú ý, đóng góp trong việc đưa di sản Hán – Nôm đến với cộng đồng phải kể đến vai trò của Bảo tàng tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ giá trị di sản độc đáo này. Ông Nông Đức Kiên, Giám Đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ gần 300 tài liệu, cùng nhiều hiện vật gốc và hiện vật phục chế các di sản Hán – Nôm như văn bia, câu đối, sách, tài liệu… Trong đó, có 26 hiện vật, tài liệu Hán – Nôm đang được trưng bày phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu, đơn cử như: Bia Thủy Môn Đình, Mộc Bản Triều Nguyễn, sách cúng thầy mo, bia đá ghi năm làm cầu Kỳ Cùng… Nhằm phát huy giá trị của các hiện vật, tư liệu Hán – Nôm quý giá này, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác sưu tầm, bảo quản, đồng thời, trưng bày, giới thiệu đến đông đảo khách thăm quan về giá trị của các hiện vật, tài liệu này.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tổ chức trên 20 đợt trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa, trong đó có các triển lãm trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến chữ Hán – Nôm cổ như: Triển lãm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn, Lạng Sơn qua các thời kỳ lịch sử; triển lãm Lạng Sơn qua hệ thống thư tịch cổ… Cùng với đó, 100% các hiện vật, tư liệu Hán – Nôm đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh đã được đưa vào hệ thống quản lý bằng phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật” trên không gian mạng và đăng tải giới thiệu trên trang web của bảo tàng tại mục “thư viện hiện vật” phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác lâu dài. Qua đó, cán bộ, đảng viên, Nhân dân đã được tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó có nhận thức rõ hơn tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản Hán – Nôm, .
Ông Nguyễn Văn Chiến, cựu chiến binh khối Đại Thắng, phường Chi Lăng cho biết: Tháng 10/2022, tôi có cơ hội tham quan triển lãm chuyên đề “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển, tại đây, tôi được tiếp cận với một số tư liệu Hán – Nôm mộc bản triều Nguyễn về tỉnh Lạng Sơn. Qua những tư liệu này đã giúp người dân Lạng Sơn như tôi hiểu thêm về lịch sử của quê hương, từ đó thêm tự hào về mảnh đất nơi tôi đang sống.
Di sản Hán – Nôm của tỉnh có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự hình thành, lịch sử, các giá trị văn hóa của đất và người Xứ Lạng. Bằng những giải pháp tích cực, cụ thể của ngành văn hóa và các cấp, ngành liên quan, di sản Hán – Nôm của tỉnh đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là các di sản Hán – Nôm vẫn còn lưu truyền rất nhiều trong dân gian, đặc biệt là sách cổ của các dân tộc, chính vì vậy, thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, sưu tầm, sao chụp các thư tịch, tài liệu Hán – Nôm liên quan đến tỉnh Lạng Sơn từ nhiều nguồn khác nhau như Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; các Trung tâm lưu trữ Quốc gia; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; các nhà sưu tầm cá nhân… Đồng thời, tăng cường công tác bảo quản, số hóa, quảng bá phát huy giá trị nguồn di sản Hán – Nôm đến đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ý kiến ()