Phát huy giá trị của đường Hồ Chí Minh để làm nên những 'kỳ tích' mới
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người con ưu tú của tỉnh Quảng Bình, vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế – xã hội ngày nay.
Nơi xuất phát của đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn vào miền Nam
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nằm giữa “khúc ruột miền Trung”, mảnh đất Quảng Bình được mệnh danh là vùng “cổ chai”, “cán xoong”, “yết hầu” trong công tác chi viện cho chiến trường miền Nam. Hệ thống Đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Bình gồm có một trục dọc và bốn trục ngang; trục dọc có hai nhánh: Nhánh Đông bắt đầu từ Tân Đức, xã Hướng Hóa, huyện Tuyên Hóa đến Bến Quan, (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) dài 214 km; nhánh Tây từ Khe Gát (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) đến dốc Dân Chủ (làng Ho, Lệ Thủy) dài 173 km.
Bốn tuyến đường ngang gồm các đường: 12A, 20, 16 và 10 với tổng chiều dài gần 270 km. Quảng Bình cũng là điểm xuất phát của đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn vào miền Nam, là nơi đứng chân của nhiều trạm thông tin liên lạc. Tất cả đã tạo nên một mạng lưới giao thông, thông tin phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến của dân tộc, hệ thống giao thông này đã vận chuyển hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí vào miền Nam, hơn 1,5 triệu lượt người ra vào chiến trường.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình còn là nơi khởi nguồn các tuyến chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, là nguồn cảm hứng để cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng cho ngày toàn thắng.
Đất nước được giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, nhận thức được vị trí chiến lược của đường Hồ Chí Minh vừa là con đường chiến lược an ninh, quốc phòng, vừa là con đường quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, nhất là vùng Tây Nguyên, địa bàn vùng biên trong thời kỳ đổi mới, ngày 03/12/2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía tây dài 500 km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, ngày 15/02/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh. Ngày 05/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng.
Đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Trần Thắng cho hay, Quảng Bình là nơi đường Hồ Chí Minh phân thành 2 nhánh trước khi vào Nam, là nơi giao thoa giữa 2 miền Nam – Bắc, nút giao thông chiến lược giữa đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, nối vùng chiến lược Quảng Bình với biên giới Việt-Lào. Ngày nay, con đường huyền thoại mang tên Bác được nâng cấp, xây dựng rộng, thoáng đãng, đi qua tỉnh Quảng Bình đã hình thành nhiều khu kinh tế mới. Quảng Bình đã tận dụng cơ hội này để thực hiện kế hoạch di dân, chinh phục vùng gò đồi, phát triển kinh tế, theo đó khoảng cách đồng bằng và miền núi đang được rút ngắn. Nhiều bản làng xa xôi dần lộ diện khi đường đi qua. Nhiều làng thanh niên lập nghiệp mọc lên dọc theo tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng về tài nguyên, lao động, từng bước nâng cao văn hóa, dân trí ở các vùng xa xôi, hẻo lánh (như làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu; Trường Xuân).
Bên cạnh việc kế thừa lợi thế, giá trị của đường Hồ Chí Minh, Quảng Bình đã phát huy truyền thống hào hùng của vùng đất có bề dày lịch sử, tiềm năng về địa chính trị, địa kinh tế, nguồn tài nguyên được thiên nhiên ban tặng để tập trung phát triển kinh tế – xã hội toàn diện trên các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sau 33 năm tái thành lập tỉnh Quảng Bình (1989-2022), từ đặc thù một tỉnh miền trung, địa hình hẹp và dốc với 85% diện tích là đồi núi, kinh tế kém phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, xuất phát điểm thấp, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn, đến nay, nền kinh tế Quảng Bình tăng trưởng khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thuỷ hải sản, thương mại, dịch vụ du lịch và công nghiệp.
Đã hình thành các khu đô thị trung tâm hiện đại phát triển tại thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và trung tâm các huyện lỵ. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt về giao thông đã được đầu tư bằng các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ khá đồng bộ. Hệ thống sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp, khu kinh tế từng bước được xây dựng, đã và đang phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục y tế, an sinh xã hội được quan tâm, đầu tư, có những chuyển biến hết sức tích cực, cải thiện đời sống và việc làm của người dân; tình hình chính trị xã hội, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng.
Diện mạo mới trên tuyến đường lịch sử
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, đường Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội ở các xã phía tây của tỉnh Quảng Bình mà còn mở ra triển vọng lớn đối với ngành du lịch tỉnh nhà. Trong đó, địa phương đã kết hợp, phát triển du lịch lịch sử với du lịch sinh thái; trùng tu, tôn tạo, khai thác giá trị các di tích lịch sử như: Hang 8 thanh niên xung phong, Trạm Thông tin A72. Du lịch đường Hồ Chí Minh gắn liền với các tuyến du lịch có tính liên hoàn như điểm du lịch nước khoáng nóng Bang, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những địa danh quen thuộc trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, đường 12A, đường 15, như: Trà Ang, trọng điểm A.T.P, bến phà Xuân Sơn, dốc Ba Thang, hang Thông tin, hang Cô Y tá, hang Chín tầng, khe Ve, ngầm Khe Rinh, bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời, đồi Cha Quang, đèo Mụ Giạ, trận địa Nguyễn Viết Xuân, đèo Đá Đẽo, sân bay Khe Gát… thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm, tạo tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực. Đồng thời, phát triển, hình thành nên địa chỉ đỏ giáo dục cho các thế hệ về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Bên cạnh đó, ngành du lịch đã khai thác giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hệ thống các hang động trên dãy Trường Sơn dọc đường Hồ Chí Minh để phát triển du lịch hang động, mạo hiểm; tạo nên những điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương; góp phần chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dọc tuyến đường Hồ Chí Minh ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại, đồng thời, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân các vùng phụ cận, làm thay đổi diện mạo, từng bước hình thành các trung tâm hành chính huyện, xã và quảng bá nét đẹp văn hóa, lịch sử của quê hương Quảng Bình với bạn bè trong nước, quốc tế.
Mặt khác, với tiềm năng lớn về biển và lợi thế tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, Quảng Bình đã chú trọng thu hút các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở. Hiện nay, các dự án hạ tầng quan trọng đã và đang triển khai, như: Đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Hệ thống đường ngang kết nối đường ven biển và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới; Cảng Hàng không Đồng Hới đang được đầu tư mở rộng, được Chính phủ xem xét để nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế… sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khai thác tiềm năng của tỉnh ven biển.
Về phát triển kinh tế: Là trục đường xuyên Việt kết hợp với Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đã mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn; liên kết các cảng biển, cửa khẩu, từng bước hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp như khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, khu kinh tế Hòn La, kết nối, thông thương với Lào, Thái Lan; góp phần quan trọng trong xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa trong khu vực, là tiềm năng lớn để đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Có thể nói, đường Hồ Chí Minh cũng đã góp phần quan trọng trong vận chuyển hàng hóa giữa các vùng miền và với các tỉnh trong cả nước, nối liền, giao thương với các nước Lào, Thái Lan, dần hình thành trung tâm hành lang kinh tế Đông – Tây ở khu vực Bắc Trung Bộ; mở ra nhiều cơ hội mới cho nhân dân trong tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ đường biên giới hoà bình; giữ vững và phát huy giá trị văn hóa tiên tiến gắn với lưu giữa phong tục, tập quả của vùng miền.
“Với những thành tựu đạt được những năm qua, phát huy tinh thần, truyền thống “Quảng Bình quật khởi”, “Quảng Bình hai giỏi”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà luôn đoàn kết, thống nhất, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động ở khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ và cả nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình bày tỏ./.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()