Thứ 6, 22/11/2024 06:05 [(GMT +7)]
Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng thành phố hiện đại
Thứ 6, 18/03/2011 | 09:45:00 [(GMT +7)] A A
|
Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn phục vụ du khách.
Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc trung ương và nằm ở trung tâm của “khúc ruột” miền trung, hội tụ nhiều luồng văn hóa trong vùng, miền, nhưng vẫn giữ đặc trưng xứ Quảng (Quảng Nam – Đà Nẵng). Đây cũng là thành phố có tốc độ tăng trưởng khá cao và đang hướng tới trở thành một thành phố phát triển ngang tầm khu vực và châu Á.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XX đã đề ra mục tiêu: Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường sống lý tưởng mang giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người. Lãnh đạo TP Đà Nẵng mong muốn khẳng định vị thế và tầm vóc khu vực của thành phố trẻ bên sông Hàn trong tương lai. Tuy vậy, khi nói tới phát triển TP Đà Nẵng không thể tách rời hai thành tố kinh tế và văn hóa, vì đây là hai bộ đôi luôn luôn song hành tồn tại, như hai cột trụ xây cất nên ngôi nhà bền vững. Xây dựng một thành phố hiện đại mà thiếu truyền thống văn hóa và mờ nhạt bản sắc văn hóa thì thành phố đó sẽ khó có sức thu hút. Có thể thấy một thí dụ điển hình, thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản hiện đại nhưng trong lòng nó vẫn tồn tại một nền văn hóa hàng nghìn năm với các loại hình diễn xướng: Kịch Nô, Kabuki, Bunraki… và chúng được coi là bảo vật quốc gia của đất nước 'Mặt trời mọc', được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Người Nhật rất tự hào về những loại hình nghệ thuật ấy.
Ở nước ta, những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang phát triển tương đối hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Hà Nội có hàng trăm di tích văn hóa, hàng chục đoàn nghệ thuật dân tộc của trung ương và địa phương như chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước,… TP Hồ Chí Minh có ít di sản văn hóa nhưng lại nhiều hơn về số lượng đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, mang tính hiện đại. TP Đà Nẵng hiện có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày, trong khi đó, phát triển văn hóa lại có phần tiệm tiến so tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhiều du khách đã nhận xét: 'Đà Nẵng chỉ có ngày mà chưa có đêm' là ý nói sinh hoạt văn hóa (giải trí về đêm) còn thưa thớt, vắng tẻ. Một nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn khiêm tốn nằm giữa trung tâm thành phố, nhưng không thường xuyên đỏ đèn mà chủ yếu là phục vụ cho khách du lịch biển đến từ bến cảng sông Hàn. Hoạt động ca múa nhạc dân tộc quy mô còn quá khiêm tốn như một câu lạc bộ thì làm sao thỏa mãn được nhu cầu của nhân dân và du khách quốc tế ngày càng đông. Người nước ngoài đến Việt Nam muốn được khám phá văn hóa. Văn hóa càng cổ xưa, càng dân dã thì càng hấp dẫn con người hiện đại, nhất là người phương Tây, chứ không phải họ thích xem nhà cao tầng, khách sạn nhiều sao. Tuy Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng cho những địa danh: sông Hàn, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm và các điểm tham quan như Bảo tàng Chăm cổ kính, làng mỹ nghệ đá Non Nước, nhưng văn hóa phi vật thể, cụ thể là nghệ thuật dân tộc bài chòi, hò Quảng, múa và dân ca Chăm, hát bội, lễ hội dân gian,… hãy còn ít được biết đến bởi chưa khai thác, phát huy đúng mức, mặc dù lãnh đạo cũng như chính quyền thành phố đã rất quan tâm, chăm lo phát triển nghệ thuật dân tộc. Vấn đề là các chuyên gia văn hóa, tài năng văn hóa được tập hợp, được trọng dụng và phát huy như thế nào?
Đà Nẵng đang hội tụ các yếu tố nội lực và ngoại sinh, đang có một tiềm năng văn hóa phong phú nếu biết khai thác và phát huy sẽ đủ sức để song hành cùng tốc độ tăng trưởng của kinh tế, thực hiện ý tưởng xây dựng một thành phố phát triển cả về kinh tế và văn hóa của khu vực và châu Á.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()