Phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An hiệu quả, bền vững
Ninh Bình là tỉnh đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sở hữu Di sản hỗn hợp văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Với lợi thế cạnh tranh đó, tỉnh Ninh Bình đã và đang bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của di sản một cách hiệu quả, bền vững hướng tới xây dựng Ninh Bình là Trung tâm du lịch lớn của vùng và của cả nước, tạo động lực phát triên kinh tế, xã hội, phát triển du lịch xanh, bền vững.
Ngày 3/11, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia liên ngành các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kiến trúc, bảo tồn và du lịch tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Tràng An”.
Tràng An là một vùng đất cổ, có chiều sâu của lịch sử, chiều rộng của không gian, chiều dài của quá trình cứ trú của con người, xứng tầm bởi vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa văn hóa. Vùng đất này, thế kỷ X, là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền Đại Việt (968-1010) với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý.
Đến bây giờ, còn đó một Di sản thế giới Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm-nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa song hành cùng các mốc vàng son của lịch sử dân tộc. Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư-nơi thống nhất giang sơn và phát tích quá trình định đô Thăng Long-Hà Nội.
Hội thảo đã nhận được 22 bài tham luận chuyên sâu, tâm huyết của các chuyên gia, các học giả, nhà khoa học trong nước và quốc tế, chủ yếu tập trung vào những nội dung như: Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An. Kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam; Xây dựng tiêu chí và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Di sản thế giới Tràng An làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tu bổ, sửa chữa và khai thác phục vụ phát triển du lịch dựa trên bản sắc, đặc trưng riêng có của di sản.
Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống, giữ gìn cảnh quan khu Di sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thu hút du khách về tham quan Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng “Đô thị Cố đô – Di sản” nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản của vùng đất Cố Đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người mà trong đó Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan và văn hóa – Đây là, Di sản văn hóa và thiên nhiên hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á.
Chính vì vậy, Di sản Tràng An có tính đa dạng về thành phần, công năng sử dụng và yêu cầu bảo tồn cho các loại hình, đối tượng khác nhau: Đó là sự hiện diện của Kinh đô cổ với dấu ấn của các di tích kiến trúc trên mặt đất, dấu tích khảo cổ học ẩn chứa trong lòng đất; hệ thống cảnh quan thiên tạo, cảnh quan sinh thái nhân văn của các làng cổ xưa. Đó là giá trị nổi bật toàn cầu gắn với sự lưu trú lâu đời còn qua thói quen, tập quán sinh kế của cộng đồng dân cư, cũng như lưu giữ các tri thức bản địa độc đáo được giữ gìn, lưu truyền của vùng đất Cố đô.
Đặc biệt đây là di sản hỗn hợp có quy mô khá lớn bao trùm nhiều khu vực dân cư hiện hữu, cùng với hệ thống di tích, các công trình lịch sử – văn hóa ghi dấu ấn qua các triều đại; các nhà ở truyền thống trong các làng, làng nghề còn lưu giữ lại thói quen, tập quán truyền thống SK lâu đời của người dân địa phương, là nguồn tài nguyên có giá trị cần nhận diện, bảo tồn và khai thác gắn với phát triển du lịch bền vững.
Do vậy, việc bảo tồn nhà cổ, giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu Di sản là rất cần thiết và cần được khuyến khích. Từ những vấn đề như vậy, có 3 yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra: Thứ nhất là, yêu cầu khuyến khích bảo tồn nhà cổ, gìn giữ cấu trúc làng quê truyền thống. Thứ hai là, giữ gìn môi trường định cư truyền thống và tạo sinh kế cho người dân trong vùng di sản. Thứ ba là, cần xây dựng tiêu chí và hồ sơ nhà cổ vùng lõi di sản Tràng An, lồng ghép trong các Quy hoạch bảo quản và phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, sự hiện tồn của các giá trị lịch sử – văn hóa tại các làng xã truyền thống vùng lõi Tràng An cho thấy quá trình bảo vệ, lưu giữ di sản của biết bao thế hệ. Các giá trị lịch sử – văn hóa ấy ngày nay không còn khép kín trong mỗi con người, mỗi ngôi làng quê, mà đang tạo dựng động lực cho quá trình phát triển mạnh mẽ mà ngành công nghiệp văn hóa đang là đích hướng tới để vừa gìn giữ, làm giàu và phát huy các giá trị của các làng quê vùng lõi di sản Tràng An.
“Cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, kỹ lưỡng hơn nữa để đánh giá về tiềm năng, giá trị, cơ hội phát triển của các làng truyền thống vùng lõi di sản Tràng An cũng như Quần thể danh thắng Tràng An và rộng hơn là không gian lịch sử – văn hóa kinh đô Hoa Lư”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói.
Theo PGS.TS. Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc đánh giá các giá trị kiến trúc, cảnh quan cần được thực hiện trên quy mô xã (không gian ngoài làng) và không gian làng (điểm dân cư). Các giá trị cần được đánh giá là: Cấu trúc không gian toàn làng; kiến trúc công trình tôn giáo tín ngưỡng, công trình công cộng truyền thống và nhà ở; kiến trúc cảnh quan trong và ngoài làng; không gian hộ gia đình. Có các giá trị văn hóa phi vật thể lồng ghép trong đó. Giá trị sinh thái và văn hóa nông nghiệp truyền thống cũng là yếu tố quan trọng trong đánh giá giá trị của cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan ngoài làng.
Còn PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy-Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho rằng, định hướng phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm du lịch sinh thái văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, cho thấy phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là một hướng đi tất yếu của tỉnh Ninh Bình, trong đó du lịch Ninh Bình sẽ cần phải phát triển theo hướng chất lượng cao và đi vào chiều sâu, phát huy thế mạnh từ giá trị của tài nguyên bản địa, góp phần xây dựng một đô thị di sản phát triển toàn diện, nhân văn, sinh thái, giàu đẹp và bền vững.
Với mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt từ giá trị những ngôi làng truyền thống, cao hơn nữa là bảo tồn và phát huy hiệu quả và bền vững giá trị Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, xứng đáng là mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội, Hội thảo đã và sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành để có thể đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá không chỉ cho hôm nay, mà cả mai sau.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/phat-huy-cac-gia-tri-di-san-van-hoa-va-thien-nhien-the-gioi-trang-an-hieu-qua-ben-vung-102231103194745584.htm
Ý kiến ()