Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế
Công nhân, kỹ sư Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) thi công Thuỷ điện Bản Vẽ. Lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội ta, đồng thời cũng là truyền thống, bản chất của Bộ đội Cụ Hồ. Trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những bước chuyển tiếp mang tính lịch sử, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này đạt hiệu quả cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh.Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng về giảm quân số và xây dựng miền bắc XHCN, ngày 23-8-1956, Bộ Quốc phòng (BQP) đã ra Nghị định số 030/NĐ thành lập Cục Nông binh và điều chuyển gần tám vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội đã khắc phục khó khăn gian khổ, mở đường xẻ dọc Trường Sơn, thiết lập những binh trạm, căn cứ hậu cần tại rừng U Minh, Chiến...
|
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng về giảm quân số và xây dựng miền bắc XHCN, ngày 23-8-1956, Bộ Quốc phòng (BQP) đã ra Nghị định số 030/NĐ thành lập Cục Nông binh và điều chuyển gần tám vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội đã khắc phục khó khăn gian khổ, mở đường xẻ dọc Trường Sơn, thiết lập những binh trạm, căn cứ hậu cần tại rừng U Minh, Chiến khu D, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… sản xuất vũ khí, cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước giao cho quân đội thực hiện hai nhiệm vụ chính trị, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng đất nước. Đất nước thống nhất, Chính phủ ra Nghị định số 59/CP (ngày 5-4-1976), thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế; đồng thời, điều chuyển một lực lượng lớn của quân đội (gần 28 vạn người) sang làm kinh tế, xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, nhất là bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng ủy Quân sự T.Ư (nay là Quân ủy T.Ư) và BQP có nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế (SXXDKT) của quân đội ngày càng nền nếp, hiệu quả.
Nổi bật là, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng Khu kinh tế-quốc phòng (KTQP) trên các địa bàn chiến lược, biên giới, vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội, vừa tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng-an ninh (QPAN) bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Các khu KTQP tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, kết hợp với bố trí lại dân cư hình thành những điểm, cụm dân cư trên vành đai biên giới ở các vùng dự án; tổ chức phát triển sản xuất, khai hoang trồng mới hơn 64 nghìn ha cây công nghiệp; giải quyết việc làm cho hơn 18.500 lao động, trong đó hơn 6.200 lao động là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Mô hình Khu KTQP do quân đội triển khai được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và dư luận xã hội đánh giá cao… Các khu KTQP tại các quân khu và Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, góp phần xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, ổn định lâu dài.
Các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) từng bước được sắp xếp, đổi mới, hoạt động theo chủ trương của Nhà nước và quy định của BQP. Các DNQĐ vẫn đứng vững trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo như xây dựng các công trình ở các địa bàn, địa hình khó khăn, phức tạp (đường tuần tra biên giới, âu tàu Trường Sa…), các công trình đặc biệt (sân bay, hầm thủy điện…); hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) giữ được ổn định và phát triển; sản lượng và chất lượng sản phẩm của DNQĐ từng bước được nâng cao, nhiều sản phẩm đã thay thế hàng nhập khẩu. Một số DN đã đầu tư ra nước ngoài hiệu quả như Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Hợp tác kinh tế…, đặc biệt, đã xuất hiện thương hiệu mạnh của DNQĐ tham gia hoạt động kinh tế ở một số lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng, khẳng định sự tăng trưởng vững chắc và định hướng chiến lược phát triển các ngành, nghề, như: viễn thông, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chiến lược, khai thác khoáng sản, xây dựng, dịch vụ cảng biển, đóng tàu, dệt may, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng…
Các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trọng tâm là trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản, làm một số dịch vụ theo quy định. Các đơn vị đủ quân, có điều kiện về đất đai cơ bản tự túc được rau ăn quanh năm (các đảo nổi Trường Sa tự túc được hơn 80% rau xanh mà trước đây phải đưa từ đất liền ra), một số đơn vị giải quyết được hơn 90% nhu cầu về thịt, cá, đậu phụ đưa vào cải thiện đời sống bộ đội, nhiều đơn vị có mô hình tăng gia, chăn nuôi tập trung có hiệu quả. Nhờ đó, dù giá cả thị trường tăng cao, đời sống tinh thần, vật chất của bộ đội vẫn được giữ vững và cải thiện. Các đơn vị sự nghiệp, nhất là các bệnh viện, nhà trường… tận dụng năng lực dôi dư, phát huy thế mạnh, tổ chức làm kinh tế gắn với nhiệm vụ chuyên môn trong phạm vi quy định của Nhà nước và BQP, vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo nguồn thu tài chính, tái đầu tư bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật, cải thiện đời sống bộ đội, đóng góp một phần cho ngân sách quốc phòng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực và chữa bệnh cho nhân dân.
Những kết quả quân đội tham gia SXXDKT đạt được trong 55 năm qua đóng góp quan trọng vào việc khắc phục hậu quả các cuộc chiến tranh; là nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội đất nước, lực lượng nòng cốt giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế-xã hội và QPAN trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; góp phần điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội và thế bố trí chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giữ gìn và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, giải quyết một phần nhu cầu của quân đội…
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, để nâng cao hiệu quả hoạt động SXXDKT của quân đội, thời gian tới, toàn quân tập trung thực hiện tốt những nội dung và giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ SXXDKT của quân đội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn đơn vị đối với nhiệm vụ này; tiếp tục khẳng định lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội ta. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, quân đội ta phấn đấu góp phần vào việc đẩy mạnh CNH, HĐH và là lực lượng nòng cốt giải quyết những khó khăn về kinh tế-xã hội, QPAN trên các địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Hai là, huy động có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu KTQP trên đất liền và biển, đảo, đóng góp vào thực hiện Chiến lược biển. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu KTQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được Chính phủ phê duyệt, BQP sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị chủ động phối hợp các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, lực lượng có liên quan xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, kế hoạch thực hiện từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn, từng khu KTQP và khả năng đầu tư…
Ba là, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của BQP. Cơ quan chức năng cần chủ động làm tham mưu cho Quân ủy T.Ư, BQP xây dựng hoàn chỉnh cơ chế quản lý, phù hợp với cơ chế quản lý chung của Nhà nước và đặc thù quốc phòng, tạo điều kiện các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. Coi trọng việc tái cấu trúc doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp… Bên cạnh đó, chú trọng phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ… không ngừng nâng cao sản lượng, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế.
Bốn là, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, làm kinh tế của các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp. Trong khi đặt trọng tâm vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm, các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp cần phát huy tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để tổ chức sản xuất, làm kinh tế theo đúng quy định pháp luật Nhà nước và quy định của BQP; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và hiệu quả sản xuất, làm kinh tế.
Kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm 55 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới, nâng cao hiệu quả kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường QPAN; giữ gìn và nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, cùng toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()