Phát hiện vi phạm gần 158 nghìn tỷ, 245 ha đất, kiến nghị thu hồi hơn 85 nghìn tỷ
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2024 là năm “nước rút” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ các yếu tố bên ngoài diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và cả những vấn đề nội tại bên trong, tồn đọng từ nhiều năm trước. Đối với ngành Thanh tra, đây là năm có khối lượng công việc lớn, nhất là những nhiệm vụ đột xuất do Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giao.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với các cấp, các ngành, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
“Toàn ngành Thanh tra đoàn kết, thống nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Kiến nghị xử lý hành chính 2.360 tập thể, hơn 9 nghìn cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 269 vụ, 173 đối tượng
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết: Năm 2024, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ ngành, địa phương đã bám sát Định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính triển khai kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất.
Số liệu thống kê cho thấy, năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính, gần 119 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm gần 38% số cuộc thanh tra, kiểm tra so với 2023).
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 85 nghìn tỷ đồng (về ngân sách nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng; về tổ chức, đơn vị gần 65 nghìn tỷ đồng) và 41 ha đất.
Kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể, hơn 9 nghìn cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, qua thanh tra 1.567 đơn vị phát hiện vi phạm với số tiền 282 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 487 tổ chức, 1.575 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 14 vụ, 06 đối tượng.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, qua thanh tra 3.541 đơn vị phát hiện vi phạm với số tiền trên 778 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 426 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 352 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 735 tổ chức, 3.299 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 44 vụ, 45 đối tượng.
Trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, qua thanh tra 826 đơn vị phát hiện vi phạm với số tiền trên 359 tỷ đồng, 233 ha đất; kiến nghị thu hồi 77 tỷ đồng, 40 ha đất; kiến nghị xử lý khác 281 tỷ đồng, 193 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 196 tổ chức, 858 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 24 vụ, 26 đối tượng.
Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phát hiện hơn 116 nghìn tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền hơn 147 nghìn tỷ đồng
Tiến hành gần 119 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phát hiện hơn 116 nghìn tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền hơn 147 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm hơn 451 nghìn tỷ đồng do Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước phát hiện vi phạm các quy định của nhà nước về cho vay, nợ quá hạn…).
Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra cũng chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.771 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.468 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.
Riêng Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, đôn đốc 40 kết luận thanh tra, đã thu hồi về Ngân sách Nhà nước hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, 32,1 ha đất và xử lý khác về kinh tế gần 3 nghìn tỷ đồng.
Căn cứ vào kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 356 tập thể, 1.473 cá nhân có liên quan; chuyển cơ quan điều tra 17 vụ; ban hành nhiều văn bản và trực tiếp đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra.
Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 6 nghìn tỷ đồng (đạt 45,3%), 77 ha đất; xử lý hành chính 2.965 tổ chức, hơn 11 nghìn cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 108 vụ, 106 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 29 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 399 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 70,1%).
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham luận nhiều nội dung quan trọng, nhất là đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý vi phạm phải khách quan, chính xác, đúng quy định pháp luật, thấu tình, đạt lý và khả thi; tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, thực hiện nghiêm các kiến nghị xử lý qua thanh tra.
Đồng thời, Hội nghị cũng bàn thảo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận thanh tra theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, đánh giá những kết quả nổi bật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024; chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có những giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2025 mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Thanh tra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ý kiến ()