Phát hiện sớm, ứng phó nhanh
LSO-Ứng phó với các chủng vi rút gây bệnh trên gia súc, gia cầm thì ngoài việc nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, vệ sinh thú y, kiểm dịch vận chuyển... Công tác phát hiện sớm dịch bệnh có vai trò quan trọng. Đặc biệt trong điều kiện Lạng Sơn không thuộc diện tiêm phòng cúm gia cầm thì việc giám sát dịch bệnh, ứng phó khẩn trương, kịp thời lại càng quan trọng hơn.
Phòng xét nghiệm, chẩn đoán, Chi cục Thú y trong những năm trở lại đây được trang bị khá đầy đủ các loại thiết bị phục vụ hoạt động. Thông qua các dự án như Dự án Phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch tại Việt Nam (VAHIP), sự tài trợ của một số tổ chức và hợp tác quốc tế với Quảng Tây, Trung Quốc, hiện nay Chi cục Thú y đã có thể tự xét nghiệm, chẩn đoán nhanh các mẫu bệnh phẩm trên gia súc, gia cầm, từ đó chủ động các biện pháp đối phó trước khi có kết quả của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương. Thế nhưng trước đây phòng chẩn đoán, xét nghiệm này hoạt động chưa được thường xuyên do sự thiếu đồng bộ về máy móc, thiếu nhân lực và thiếu cả các hóa chất phục vụ công việc.
Cán bộ kỹ thuật Chi cục thú y phân tích, chẩn đoán mẫu bệnh phẩm |
Trước hàng loạt các thiết bị hiện đại với chi chít những nút bấm và rất nhiều các thiết bị đặc chủng khác như ông nghiệm, xi lanh… các kỹ thuật viên của Chi cục Thú y thoăn thoắt thao tác và chỉ ít phút sau đã có kết quả chẩn đoán mẫu bệnh phẩm. Đây là những thông tin ban đầu quan trọng để cơ quan chuyên môn chủ động triển khai và tham mưu các biện pháp đối phó kịp thời cho cấp có thẩm quyền. Song song với quá trình này, các bệnh bệnh phẩm khác vẫn được chuyển cho Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương để khẳng định thêm kết quả một lần nữa. Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: trước tính chất quan trọng, cấp bách của việc chẩn đoán nhanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục phải đưa hệ thống các thiết bị này vào vận hành thường xuyên và có hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo này, Chi cục Thú y đã cử cán bộ đi tập huấn ngắn hạn tại Trung Quốc, đồng thời hợp tác, liên hệ với các đơn vị có kinh nghiệm vận hành để khắc phục các hạn chế về thiếu đồng bộ, hóa chất… đến nay cơ bản Phòng chẩn đoán, xét nghiệm có thể đáp ứng được yêu cầu. Ngoài việc chẩn đoán, xét nghiệm, Chi cục thú y tiếp tục phối với với cơ quan Thú y vùng II tiến hành giám sát dịch bệnh tại các chợ buôn bán gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới cũng như trong khu vực nội địa. Ông Dương Doãn Doanh cho biết: qua giám sát, tỷ lệ các mẫu dương tính với vi rút cúm trên gia cầm chưa phải là cao, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn. Đặc biệt trong tiết trời như hiện nay cộng thêm diễn biến phức tạp về dịch bệnh từ bên kia biên giới và tình hình trong nước, nguy cơ cúm gia cầm và các bệnh nguy hiểm trên gia súc lại càng trở nên cấp bách.
Đầu tháng 1/2014, tại thôn Thuần Như, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia xuất hiện hiện tượng gia cầm ốm, bỏ ăn và chết hàng loạt. Cũng nhờ công tác giám sát chặt chẽ, chẩn đoán kịp thời, cơ quan chuyên môn nhận định đây là triệu chứng của cúm gia cầm và tiến hành ngay các biện pháp khống chế đồng loạt, khẩn trương như chống dịch. Kết quả là chỉ trong vòng 1 tuần, ổ bệnh đã được khống chế ngay trong diện hẹp. Trở lại diễn biến của lở mồm long móng trên gia súc tại Bình Gia và Chi Lăng diễn ra từ tháng 1/2014 đến đầu tháng 2 vừa qua. Ngoài sự nỗ lực của các cán bộ chuyên môn trong công tác điều trị, xử lý ổ dịch ngay cả trong những ngày nghỉ tết Nguyên đán thì yếu tố quan trọng phải kể đến chính là việc phát hiện kịp thời, và triển khai ngăn chặn ngay khi diễn biến chưa trở nên phức tạp. Cho đến thời điểm này dịch lở mồm long móng ở các huyện trên đã được khống chế hoàn toàn.
Tiêm phòng dịch bệnh cho vịt đàn tại xã Đại Đồng (Tràng Định) – Ảnh: THANH SƠN |
Trong những năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh vẫn lẻ tẻ xảy ra các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên các ổ bệnh đã được khống chế ngay từ trong diện hẹp, không lan rộng thành dịch. Đây chính là hiệu quả của công tác giám sát dịch bệnh và các phương án ứng phó kịp thời. Điều này một mặt phản ánh sự nỗ lực của ngành chuyên môn, mặt khác cho thấy nhận thức của người chăn nuôi đã được nâng lên một bước, đồng thời khẳng định hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y viên cơ sở. Hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh là một trong những tiền đề quan trọng để Lạng Sơn có thể hình thành chăn nuôi hàng hóa tập trung với quy mô lớn hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()