Phát hiện, quản lý điều trị - vấn đề của hệ thống chống lao
LSO-Trong những năm qua, chương trình chống bệnh lao ở tỉnh ta đã có những bước tiến dài. Song do kinh phí bị cắt giảm rất nhiều, nên công tác này hầu như bị chững lại, nhất là ở cơ sở.
![]() |
Khám bệnh cho bệnh nhân lao tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Lạng Sơn |
CHẤT LƯỢNG PHÁT HIỆN CHƯA CAO
Ông Hoàng Văn Mạnh ở xã Văn An (Văn Quan) nhập viện Lao & bệnh phổi trong tình trạng nguy kịch: phổi trái và 1/3 phổi phải đã bị nát hoàn toàn, không chỉ vi trùng lao mà còn có các loại vi khuẩn khác tấn công gây sốc nhiễm khuẩn nặng. Ở bệnh viện được hơn 10 ngày, gia đình đã định xin về vì quá nặng, song được động viên “còn nước còn tát”, sau hơn 1 tháng điều trị với các loại thuốc và dịch truyền rất đắt tiền (trung bình trên 1 triệu đồng/ngày), đến nay ông đã có thể nói chuyện và ăn uống nhẹ. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, bác sĩ Nông Việt Dũng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lao & bệnh phổi nói rằng: đây là điển hình của sự phát hiện muộn. Nếu từ 5-6 tháng trước đây, ông Mạnh cảm thấy mệt, ho, sốt… mà đến ngay Trạm y tế xã để được hướng dẫn, thì việc chữa trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Tuyên, thôn Địa Phận, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng cũng do phát hiện muộn dẫn đến tình trạng bệnh nặng. Anh Tuyên cho biết: tôi đi làm đá trong miền Nam. Thời gian gần đây thấy người mỏi mệt, ho sốt, tôi vẫn cho đó là thời tiết. Chỉ khi không thể chịu nổi, tôi mới về Hà Nội khám và được xác định mắc lao.
Khác với 2 trường hợp trên, khi thấy dấu hiệu bất thường của cơ thể, ông Lương Văn Sáy, thôn Khuôn Dầu, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đến ngay trạm y tế xã để được tư vấn, lên huyện khám và được giới thiệu lên bệnh viện cấp tỉnh để điều trị tấn công, chỉ sau 1 tuần, ông đã khá hơn rất nhiều và sắp được về trạm y tế xã để điều trị duy trì.
Bác sĩ Ma Thị Thơm, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao & bệnh phổi Lạng Sơn nhận định: hiện nay chất lượng phát hiện bệnh lao chỉ ở mức trung bình và không đồng đều giữa các huyện. Hầu hết các bệnh nhân được phát hiện bằng phương pháp thụ động mà chưa có sự chủ động của mạng lưới y tế thôn bản và y tế xã. Vì vậy, chỉ khi người dân cảm thấy rất nguy cấp mới đến bệnh viện, khi ấy hầu hết là bệnh đã nặng.
QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ CÒN HẠN CHẾ
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hằng năm, bệnh viện Lao & bệnh phổi Lạng Sơn điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân, trong đó có 55% bệnh nhân lao và 45% bệnh nhân mắc các bệnh về phổi. Đây là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của tỉnh, hầu hết là bệnh nhân nặng nên việc điều trị giai đoạn “tấn công” theo chiến lược DOST được tuân thủ chặt chẽ. Tuy vậy, khi chuyển bệnh nhân về tuyến huyện và xã để điều trị duy trì thì lại là vấn đề khác. Báo cáo công tác năm 2014 của Bệnh viện cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh như chỉ định dùng thuốc cho các bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm y tế chưa đúng liều lượng như Trung tâm Y tế Văn Lãng. Trạm y tế xã giám sát bệnh nhân uống thuốc tại nhà chưa bảo đảm, chưa chặt chẽ trong việc chỉ định và theo dõi kết quả xét nghiệm đờm trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân như ý thức tuân thủ điều trị của bệnh nhân kém, tự ý bỏ trị (như Cao Lộc có 5/13 bệnh nhân của lô bệnh nhân đăng ký điều trị năm 2013 bỏ trị). Vì vậy, tỷ lệ điều trị khỏi âm hóa chỉ đạt 86,71%, tỷ lệ bệnh nhân thất bại điều trị chiếm 2,66%. Số bệnh nhân nặng xin thôi điều trị và bệnh nhân chuyển theo dõi điều trị lao kháng thuốc chiếm số lượng nhiều, song chưa được thống kê đầy đủ. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ bệnh lao cứ âm thầm lây lan trong cộng đồng.
NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Bệnh viện Lao & phổi Lạng Sơn cho biết: xã hội hóa công tác chống lao còn yếu, chưa có sự phối hợp mạnh mẽ của các đối tác trong chương trình như Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi. Chất lượng giám sát của tuyến trên đối với tuyến dưới còn hạn chế. Nhân lực phòng chống lao vừa thiếu, vừa yếu, năng lực chưa đồng đều. Nguồn kinh phí bị cắt giảm tới 53% so với năm 2013 lại không có kinh phí đối ứng của địa phương nên hoạt động truyền thông tại xã và công tác đào tạo, tập huấn rất khó khăn. Năm 2014 chỉ tổ chức được 1 lớp tập huấn cho cán bộ tuyến huyện theo nguồn kinh phí của Quỹ toàn cầu.
“Tiếp cận, điều trị, chữa khỏi bệnh cho mọi người” là Thông điệp phòng chống bệnh Lao năm 2015. Tuy nhiên, để thực hiện được thông điệp này, Lạng Sơn còn nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là củng cố, hoàn thiện mạng lưới chống lao từ cấp tỉnh đến cơ sở, nâng cao vai trò của tuyến xã; tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong phát hiện bệnh và tuân thủ điều trị. Có như vậy, chúng ta mới dần tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh lao.
MINH HỒNG

Ý kiến ()