Phát hiện dấu tích một hành cung thời Trần ở Thái Bình
Ngói lợp mái thời Trần hình mặt sư tử tìm thấy trong quá trình khai quật tại xã Hồng Minh, Hưng Hà (tỉnh Thái Bình).
Tham dự Hội thảo có hơn 40 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như Khảo cổ học, Sử học, Hán Nôm, Văn hóa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó có sự hiện diện của bảy nhà khoa học quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Đức.
30 bài tham luận khoa học (gồm 24 bài viết của các nhà khoa học trong nước và sáu bài viết của các nhà khoa học quốc tế) gửi đến hội thảo đều có hàm lượng khoa học cao, chứa đựng nhiều tâm huyết và trí tuệ của người viết, phản ánh sinh động và sâu sắc những vấn đề về lịch sử, khảo cổ học, xã hội liên quan trực tiếp hay gián tiếp hành cung Lỗ Giang thời Trần ở huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình).
Theo đó, từ các manh mối ghi chép ngắn ngủi trong sử cũ, từ năm 2014 đến năm 2017, Viện nghiên cứu kinh thành đã tiến hành ba cuộc khai quật khảo cổ học đền Thái, Lăng Sa Trong và Lăng Sa Ngoài (thuộc xã Hồng Minh, Hưng Hà) trên tổng diện tích gần 3.000m2. Tại đây, tìm thấy một công trình kiến trúc độc đáo có mặt bằng hình chữ Công. Kỹ thuật xây dựng và các loại ngói lợp mái thể hiện rõ đây là kiến trúc mang dấu ấn vương quyền với đặc trưng vật liệu trang trí rồng và chữ Vương (tức Vua) khắc trên trán sư tử của loại ngói úp mái.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ tìm thấy một nửa phía tây của một khuôn viên kiến trúc có quy mô lớn, khá hoàn chỉnh. Đó là hệ thống ba công trình kiến trúc gỗ nằm bên trong hệ thống tường bao, gồm kiến trúc cổng, kiến trúc hình chữ Công và kiến trúc nhà dài có bộ vì bốn hàng cột. Điều thú vị nhất là tại Lăng Sa Ngoài, phát hiện một gò sỏi lớn trong diện tích khoảng 150m2 nằm sâu dưới lớp phù sa bồi đắp. Chức năng của gò sỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời bởi phạm vi khai quật còn nhỏ hẹp. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết, đây có thể là gò mộ cổ thời Trần và nó có thể liên quan các địa danh ở đây như Lăng Sa Trong, Lăng Sa Ngoài, Lăng Ngói.
Phát biểu tại hội thảo khoa học, GS,TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam cho rằng, những kết quả khai quật vừa qua mới chỉ là bước đầu, chưa thể khẳng định đây có phải là hành cung Lỗ Giang thời Trần hay không. Cho nên, phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu một cách có hệ thống. Trong đó, có thể phải khai quật tiếp trên quy mô rộng lớn hơn. Đối với hệ thống di vật tìm được, cần có nghiên cứu liên ngành về gốm sứ, kiến trúc để có kết luận chính xác về niên đại.
Đồng tình với quan điểm này, GS,TS Ueno Kunikazu (Nhật Bản) đề nghị các nhà khảo cổ học cần tiếp tục phân tích, nghiên cứu và làm rõ hơn về mô hình kiến trúc này có phải là hành cung Lỗ Giang đã từng được nhắc đến trong lịch sử hay không? Bên cạnh đó, đề xuất phương án tiếp tục khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu vực này thời gian tới, đồng thời tư vấn về quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích trong sự kết nối di sản văn hóa thời Trần ở Hưng Hà (tỉnh Thái Bình).
Về phía địa phương, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dựa vào giá trị và tầm quan trọng của di tích mới được phát lộ, tỉnh đang yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương xây dựng hồ sơ, đề xuất xếp hạng Di tích quốc gia. Mặt khác, sẽ xây dựng quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích song hành với thực hiện dự án “Điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học” giai đoạn tiếp theo.
Ý kiến ()