Phát hiện đại dương cổ đại trên sao Hỏa
Tàu thám hiểm sao Hỏa Mars Express của châu Âu đã tìm thấy nhiều chứng cứ thuyết phục về việc trên hành tinh đỏ từng tồn tại một đại dương cách đây khoảng vài tỷ năm.
Mars Express đã dò được dấu trầm tích ở vùng bình nguyên phía bắc sao Hỏa rất giống với đáy đại dương, tại một khu vực mà trước đây từng được nhận định là “hiện trường của bờ biển tiền sử”.
Sao Hỏa đã từng tồn tại không phải một, mà là tới hai đại dương? |
“Đây là dấu hiệu rất nặng ký về việc có đại dương trên sao Hỏa”, nhà nghiên cứu Jeremie Mouginot của Viện thiên văn học IPAG (Pháp) cho biết trên trang Space.com. Mars Express sử dụng một công cụ quét radar có tên MARSIS để thăm dò bên dưới bề mặt hành tinh đỏ, tìm kiếm dung dịch và nước thể lỏng ở thượng tầng vỏ sao Hỏa. Độ sâu mà MARSIS dò quét lên tới 60-80 mét và ở khu vực này, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của băng và trầm tích.
Ý nghĩ về đại dương cổ đại trên sao Hỏa không phải là quá mới, khi nhiều tàu thăm dò trước đây từng chụp được những khu vực có hình dáng rất giống đường bờ biển. Mặc dù vậy, giả thuyết này vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi.
Cách đây chỉ vài ngày, một nghiên cứu khác tại Anh tuyên bố sao Hỏa từng trải qua một thời kỳ siêu hạn hán, kéo dào tới nhiều triệu năm khiến cho sự sống không thể tồn tại trên bề mặt sao Hỏa ngày nay.
Song Mouginot cho rằng, thậm chí sao Hỏa đã từng có tới hai đại dương: một từ cách đây 4 tỷ năm khi hành tinh này còn ấm và ẩm và một cách đây 3 tỷ năm. Tuy nhiên, do một tác động rất lớn, lớp băng ngầm đã tan chảy, vỏ sao Hỏa nứt ra chi chit và nước từ đại dương đã ngấm hết xuống lõi, để lại bề mặt cạn trơ.
Tuy nhiên, dù đúng là sao Hỏa có đại dương đi chăng nữa thì thời gian tồn tại của đại dương cũng quá ngắn để có hình thành nên sự sống, ông Mouginot nhận định.
Mars Express được phóng lên không gian từ tháng 6/2003 và bay vào quỹ đạo hành tinh đỏ từ tháng 12 năm đó. Theo dự kiến, con tàu này sẽ hoạt động đến ít nhất là hết năm 2012.
Ý kiến ()