Phát hiện 8 trống đồng Đông Sơn hơn 2.000 năm tuổi tại Malaysia
Trống đồng Đông Sơn – đỉnh cao văn minh thời đại Hùng Vương |
TTXVN dẫn lời phát biểu của PGS.TS. Adnan Jusoh (giảng viên Khoa Khoa học-xã hội và nhân văn, lịch sử của Đại học Pendidikan Sultan Idris) tại buổi tọa đàm về khảo cổ học ngày 9/4, thì ước tính trên được đưa ra dựa trên nghiên cứu mà ông và cộng sự bắt đầu thực hiện vào năm 2002 thông qua phân tích các họa tiết trên trống.
Theo TS. Adnan Jusoh, nhiều họa tiết trang trí khác nhau trên mặt trống và xung quanh chiếc trống được cho là có liên quan đến hệ thống văn hóa-xã hội của cộng đồng thời điểm đó.
Chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện đầu tiên ở Sungai Tembeling (bang Pahang, Malaysia) vào năm 1926. Bốn chiếc khác được tìm thấy ở bang Selangor, trong khi 3 chiếc còn lại được phát hiện ở bang Terengganu.
Trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ Việt Nam, là loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công) và nền văn minh sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang.
Trống đồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Liên quan đến việc tìm thấy trống đồng Đông Sơn, ngày 28/3 vừa qua, trong quá trình san gạt đất làm nhà cho một gia đình ở thôn Tả Thàng (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), những người thợ phát hiện một trống đồng và một số di vật (xương, rìu đồng) nằm trong lòng đất.
Tổng thể trống đồng còn tương đối nguyên vẹn, có chiều cao 38 cm, rộng đáy 67,5 cm, mặt trống có đường kính rộng 63 cm, phần tang trống cao 23 cm, phần bầu và mặt trống cao 15 cm.
Trống đồng có 4 quai được bố trí đối xứng hai bên cách nhau 27 cm, xen kẽ giữa các hoa văn hình khắc vạch, hình người cách điệu và hình chim lạc. Chính giữa mặt trống được khắc họa hoa văn hình mặt trời gồm 12 cánh, xung quanh là những vòng hoa văn hình chim lạc và hình răng cưa đối xứng đều nhau.
Theo đánh giá bước đầu của cơ quan chuyên môn, chiếc trống này thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Tạm thời, chiếc trống được đặt tên là trống đồng Gia Phú (gắn với tên địa danh hiện vật được tìm thấy).
Hiện chiếc trống này đã được đưa về Bảo tàng tỉnh Lào Cai để quản lý, gìn giữ, phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Bảo tàng tỉnh Lào Cai cũng đã lập tờ trình, trình cấp có thẩm quyền mời các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nghiên cứu, giám định chiếc trống này một cách khoa học, chính xác.
Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện bảo quản, trưng bày trống đồng Pha Long (niên đại Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500-2000 năm cách ngày nay, được người dân tỉnh Lào Cai phát hiện từ năm 1956) đã được công nhận là một trong 22 bảo vật quốc gia.
Ý kiến ()