Phát hiện 2 hành tinh khổng lồ quay quanh 1 ngôi sao
Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện thấy 2 hành tinh khổng lồ tương tự sao Thổ có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao, cách Trái đất của chúng ta khoảng 2000 năm ánh sáng.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện thấy 2 hành tinh có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao bên ngoài hệ Mặt trời. Hai hành tinh, được phát hiện bởi kính viễn vọng Kepler của NASA này sẽ giúp các nhà khoa học có thêm những thông tin quan trọng để nghiên cứu các hành tinh được hình thành và tương tác với nhau như thể nào.
Phát hiện này nằm trong dự án tìm kiếm những hành tinh có kích thước như Trái đất bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta. Trong dự án nghiên cứu kéo dài 7 tháng này các nhà khoa học của NASA dự kiến tiến hành quan sát hơn 156.000 ngôi sao bằng kính viễn vọng khổng lồ.
Hai hành tinh mới phát hiện được các nhà khoa học đặt tên là Kepler 9b và 9c. Lực hấp dẫn của hai hành tinh này khá giống nhau, chứng tỏ rằng quỹ đạo bay của chúng khá gần nhau. Các quan sát cho thấy hành tinh Kepler 9b có kích thước lớn hơn so với Kepler 9c và cả hai hành tinh này đều có đường kính tương đương với sao Thổ. Kepler 9b gần ngôi sao nó quanh quanh nhất với một vòng quỹ đạo bay khoảng 19 ngày, còn Kepler 9c có một vòng quỹ đạo bay khoảng 38 ngày.
Các nhà khoa học cũng phát hiện một vật thể nữa có hình dáng và kích thước tương tự Trái đất và cùng có quỹ đạo quanh một ngôi sao như các hành tinh Kepler 9b và 9c, nhưng các nhà khoa học chưa thể xác định đây có phải là một hành tinh thật hay là đơn thuần chỉ là do hiện tượng thiên văn bất thường nào đó tạo ra.
Được phóng lên quỹ đạo năm 2009, kính viễn vọng Kepler, được thiết kế để tìm kiếm các hành tinh như Trái Đất ngoài hệ Mặt trời, cho tới nay đã phát hiện tổng cộng 700 hành tinh hay những vật thể giống như hành tinh mới trong vũ trụ. Nếu không có gì trục trặc, kính viễn vọng sẽ hoạt động trong vòng 4 năm nữa.
Ý kiến ()